Trong phòng thí nghiệm ở làng Medicon, một trong những công viên khoa học lớn nhất miền Nam Thụy Điển, nhà hóa học Ingemo Andersson giơ lên một ống hít bằng nhựa mỏng, có kích thước bằng một nửa bao diêm.
Nhóm của bà hy vọng sản phẩm nhỏ bé này có thể đóng vai trò lớn trong cuộc chiến chống lại virus corona trên toàn cầu, cho phép mọi người sử dụng các phiên bản dạng bột của vaccine tại nhà trong tương lai.
Johan Waborg, giám đốc điều hành của công ty Iconovo - thường sản xuất ống hít cho bệnh nhân hen suyễn, cho biết: “Việc sản xuất khá dễ dàng và có chi phí rẻ. Bạn chỉ cần tháo miếng nhựa nhỏ ra và đưa nó vào miệng rồi hít thở sâu”.
Iconovo đang hợp tác với một công ty nghiên cứu miễn dịch học ở Stockholm tên ISR, nơi đang phát triển một loại vaccine Covid-19 dạng bột khô. Vaccine dạng này đang mở ra hướng giải quyết bài toán khó về việc bảo quản và phân phối vaccine ở nhiều nơi trên thế giới.
Giải khó cho các nước châu Phi
Không sử dụng RNA hoặc ADN mã hóa protein của virus như vaccine của Pfizer, Moderna và Astra Zeneca, vaccine của ISR được phát triển dựa trên protein tự tạo của virus SARS-CoV-2 và có thể chịu được nhiệt độ lên đến 40 độ C.
Tất cả vaccine Covid-19 phổ biến được WHO phê duyệt hiện nay đều ở dạng lỏng. Chúng phải được giữ trong lọ thủy tinh cứng ở nhiệt độ thấp tới -70 độ C, trước khi được chuyển đến tủ lạnh. Nếu không được bảo quản trong dây chuyền lạnh thích hợp, chúng sẽ bị mất tác dụng.
“Vaccine dạng bột có thể ‘thay đổi cuộc chơi’ vì chúng có thể được phân phối cực kỳ dễ dàng mà không cần dây chuyền lạnh, và có thể được sử dụng mà không cần đến các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe”, theo người sáng lập ISR, Ola Winquist, giáo sư miễn dịch học tại Viện Karolinska, một trong những trường đại học y khoa hàng đầu của Thụy Điển.
Công ty đang thử nghiệm vaccine của họ trên các biến chủng Beta (lần đầu được phát hiện ở Nam Phi) và Alpha (lần đầu được xác định ở Anh) của Covid-19.
Họ tin rằng vaccine dạng bột có thể đặc biệt hữu ích trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai vaccine ở châu Phi. Đây là châu lục hiện không có nhà sản xuất vaccine nào. Khí hậu nhiệt đới và nguồn cung cấp điện hạn chế là thách thức lớn trong việc lưu trữ và phân phối vaccine dạng lỏng trước khi chúng hết hạn.
Cho đến nay, vaccine của ISR mới chỉ được thử nghiệm trên chuột. Tuy nhiên, ISR và Iconovo đã huy động đủ kinh phí để bắt đầu nghiên cứu trên người trong vòng hai tháng tới.
Cộng đồng y tế lạc quan rằng nếu vaccine dạng bột như thế này thành công, chúng có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong phản ứng toàn cầu đối với đại dịch Covid-19, cũng như giúp việc lưu trữ và phân phối vaccine cho các bệnh khác trở nên dễ dàng hơn.
Stefan Swartling Peterson, giám đốc y tế toàn cầu của Unicef từ năm 2016 đến năm 2020, cho biết: “Điều này thực sự sẽ mở ra cơ hội cho những khu vực khó tiếp cận với vaccine”.
Ông so sánh tác động tiềm năng của vaccine dạng bột với tác động của thực phẩm đông khô - đã được chứng minh là “tuyệt vời khi đi đến những nơi không có điện”.
Công nghệ vaccine “đầy hứa hẹn”
Swartling Peterson chỉ ra một công ty khởi nghiệp khác với “công nghệ đầy hứa hẹn”. Ziccum đang thử nghiệm một công nghệ làm khô các loại vaccine dạng lỏng mà không hạn chế hiệu quả của chúng.
Điều này sẽ cho phép các nước đang phát triển có thể thiết lập các cơ sở đóng lọ vaccine dễ dàng hơn, giúp họ hoàn thành các giai đoạn cuối cùng của quá trình sản xuất vaccine ngay tại nước nhà.
Bột vaccine sẽ được hòa với dung dịch nước vô trùng để hóa lỏng ngay trước khi được chế vào lọ và đưa đến các điểm tiêm chủng.
Công nghệ hóa bột này còn mở ra nhiều hình thức vaccine khác nhau, từ dạng xịt mũi đến thuốc viên, Göran Conradsson, giám đốc điều hành của Ziccum, cho biết.
“Việc này đòi hỏi phải làm rất nhiều nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, về cơ bản, điều này là có khả năng”.
Janssen, công ty con của Johnson and Johnson sản xuất vaccine Covid-19 một liều được cơ quan quản lý dược phẩm phê duyệt để sử dụng ở Anh vào tháng trước, đang thực hiện một dự án thử nghiệm nhằm phân tích khả năng làm khô vaccine của Ziccum.
Người phát ngôn của gã khổng lồ dược phẩm cho biết nghiên cứu này là một phần của trọng tâm “khám phá công nghệ mới có tiềm năng giúp dễ dàng phân phối, quản lý” vaccine trong tương lai.
Công nghệ hóa bột cũng có thể giúp ích cho người sợ kim tiêm và cung cấp một giải pháp thay thế “xanh hơn” vaccine dạng lỏng, khi nó giảm lượng điện cần thiết để bảo quản vaccine. Bên cạnh đó, công nghệ này cũng mở ra cơ hội đưa vaccine ra toàn cầu một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Ingrid Kromann, người phát ngôn của Liên minh Đổi mới Chuẩn bị sẵn sàng về Dịch bệnh (CEPI) - một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu thúc đẩy phát triển vaccine, nói: “Chúng ta phải cung cấp vaccine cho người dân ở mọi nơi để đối phó với đại dịch toàn cầu”.
Bà cho biết vaccine dạng bột vẫn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu và “vẫn còn nhiều việc phải làm”, chẳng hạn như hợp lý hóa và mở rộng quy trình sản xuất.
“Nếu thành công, nó có thể góp phần giúp các nước tiếp cận vaccine dễ dàng hơn, tránh lãng phí và giảm chi phí cho các chương trình tiêm chủng”, bà nói.