Đảo Bắc Sentinel là một đảo thuộc quần đảo Andaman và Nicobar, nằm trong Vịnh Bengal. Đây là nơi cư trú của người Sentinel - một trong những bộ lạc đáng sợ và bí ẩn bậc nhất thế giới.
Gặp người lạ là tấn công
Người ta không biết nhiều về bộ tộc Sentinel bởi không nhiều người còn sống để kể về họ. Mới đây nhất là cái chết của nhà truyền giáo người Mỹ John Allen Chau.
Bất kỳ ai tiếp cận đảo Bắc Sentinel bằng thuyền hoặc trực thăng đều bị thổ dân trên đảo bắn tên tấn công quyết liệt.
Sentinel, được coi là bộ lạc nguyên thủy có gốc gác từ thời Đồ Đá cuối cùng trên thế giới, không có bất kỳ liên hệ nào với thế giới bên ngoài và văn minh nhân loại. Rất ít hình ảnh và video về bộ tộc được ghi nhận.
Tuy nhiên, một điều chắc chắn là họ rất đáng sợ.
Nhiều năm qua, vô số người lạ đi lạc hoặc tới quá gần hòn đảo bị giết bởi thổ dân Sentinel. Năm 2006, thổ dân trên đảo sát hại 2 người đánh bắt cá trái phép trong vùng nước thuộc vịnh Bengal. Những người này neo thuyền gần đảo để ngủ và họ vô tình nhận “án tử”. Thuyền của các nạn nhân cũng bị phá vỡ, trôi dạt vào bờ.
Bức ảnh chụp năm 2004 cũng cho thấy một thổ dân vừa chạy, vừa nhắm mũi tên về phía trực thăng của Cảnh sát biển Ấn Độ khi họ bay qua đảo để kiểm tra tình hình bộ lạc sau trận sóng thần khủng khiếp ở Ấn Độ Dương.
Thành viên trong bộ lạc Sentinel thường ở trần và sống nhờ đánh bắt cá. Theo Survivor International - tổ chức ủng hộ quyền của các bộ tộc, họ còn tự chế những chiếc thuyền nhỏ, chèo bằng mái chèo và chỉ sử dụng ở vùng nước nông.
Nghi thức của bộ tộc Sentinel cũng là một sự bí ẩn.
Họ được cho là sống thành 3 nhóm nhỏ, cư trú trong những túp lều chung lớn với một số lò sưởi. Ngoài ra, họ còn làm những chiếc lều tạm cho các gia đình riêng lẻ.
Survivor International còn cho biết, phụ nữ trong bộ tộc Sentinel đeo những sợi dây quanh eo, cổ và đầu. Trong khi đàn ông cũng đeo vòng cổ và băng quấn đầu nhưng lại có dây lưng dày hơn.
Nam giới còn mang theo giáo, cung và mũi tên vừa để săn bắn, vừa để tấn công những kẻ lạ mặt nếu họ tiếp cận hòn đảo.
Để làm được đầu mũi tên và các công cụ săn bắt, bộ tộc nguyên thủy tận dụng những kim loại trôi dạt vào bờ biển hoặc lấy từ những còn tàu đắm trên các rạn san hô.
Thổ dân trên đảo hoàn toàn khỏe mạnh và phát triển bình thường. “Theo quan sát, thổ dân nơi đây khá khỏe mạnh. Mỗi lần họ được trông thấy đều có nhiều trẻ em và phụ nữ mang thai”, tổ chức Survivor International viết trên website.
Tuy nhiên, số lượng chính xác thổ dân trên đảo vẫn chưa thể thống kê. Ấn Độ cố gắng làm việc này bằng cách sử dụng trực thăng nhưng vô ích vì trên đảo toàn là rừng rậm.
Chính phủ nước này nhiều lần tìm cách liên lạc với bộ tộc Sentinel nhưng không thành công. Đáng kể nhất là lần bộ tộc này cho các quan chức tiến đủ gần để trao cho họ những quả dừa.
Giải mã bí ẩn
Theo Survival International, cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, Maurice Vidal Portman, một sĩ quan hải quân Anh, đã đặt chân tới đảo Bắc Sentinel cùng với một nhóm người để tìm cách liên lạc với thổ dân nơi đây.
Họ phát hiện con đường dẫn đến các ngôi làng bị bỏ hoang. Vài ngày sau, họ bắt gặp hai vợ chồng già và trẻ con. Portman và người của ông đưa cặp vợ chồng già và lũ trẻ về Port Blair, thuộc đảo Nam Andaman để “phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học”. Tuy nhiên, cặp vợ chồng già bị bệnh và qua đời.
Lũ trẻ được trả về đảo Bắc Sentinel với những món quà. Các chuyên ra cho rằng có thể lũ trẻ cũng bị mắc bệnh và lây cho những thành viên khác trong bộ tộc Sentinel, gây ra hậu quả tàn khốc.
Cuối thập niên 70 của thế kỷ 20, giới chức Ấn Độ cố kết thân với bộ tộc này khi để lại 2 con lợn và một con búp bê trên bãi biển. Nhưng người Sentinel dùng giáo đâm chết và chôn số lợn cùng với con búp bê.
Một số lần khác họ lấy toàn bộ số quà tặng (gồm hoa quả và sắt) nhưng lại bắn tên về phía các quan chức.
Cuối thập niên 80 và 90 của thế kỷ 20, một số thành viên của bộ lạc bị giết bởi lực lượng có vũ trang đang thu hồi hàng hóa và sắt sau vụ đắm tàu.
Survivor International cho biết, chính phủ Ấn Độ tưởng như có bước đột phá vào năm 1991 khi những thổ dân tiếp cận thuyền để lấy dừa mà không mang theo vũ khí. Nhưng sau đó, khi các quan chức tiếp cận đảo, họ vẫn bị tấn công.
Ấn Độ dừng tiếp cận hòn đảo năm 1996 vì sợ sẽ tác động xấu tới cuộc sống yên bình ở đây. Các quan chức vẫn kiểm tra thường xuyên từ xa nhưng họ cấm mọi người tiếp cận với thổ dân Sentinel.
Chính phủ Ấn Độ thông qua đạo luật cấm mọi hình thức giao tiếp với bộ lạc và chỉ được phép tiếp cận hòn đảo ở khoảng cách an toàn (cách đảo 5 km).