"Chúng tôi chết lặng vì từ giữa tháng 4, chồng tôi chỉ ra ngoài một lần để lấy tài liệu công việc và tôi chỉ ra khỏi nhà hai lần cách đây khoảng 3 tuần để hẹn tiêm phòng và mua bánh mì", cô Noriah Bakar sống ở Subang Jaya, bang Selangor, nói với The Straits Times. "Chúng tôi toàn sử dụng các dịch vụ trực tuyến để mua sắm dù tốn kém nhiều tiền vì vậy chúng tôi không nghĩ mình đã làm gì sai".
Thông tin về gia đình cô Noriah được đưa ra trong bối cảnh Malaysia đang phải vật lộn ngăn chặn sự bùng phát các ca nhiễm Covid-19. Hôm 14/7, Malaysia ghi nhận số ca mắc tăng cao kỷ lục: 11.618, nâng tổng số ca mắc của nước này cho tới nay là 867.567. Một ngày trước đó, Malaysia ghi nhận 11.079 trường hợp mới, đây là lần đầu tiên số ca nhiễm hàng ngày vượt qua mốc 5 con số.
Giám đốc Y tế Malaysia, Noor Hisham Abdullah, cảnh báo số ca mắc mới có thể tăng trong hai tuần tới vì biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, dễ dàng lây truyền qua đường hàng không, và đã được phát hiện ở hầu hết các bang.
Biến thể Delta lần đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ có khả năng lây nhiễm cao hơn 55% so với biến thể Alpha nguồn gốc ở Anh và cao hơn 50% so với biển thể ban đầu ở Vũ Hán, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Các chuyên gia y tế lưu ý biến thể Delta có giá trị R0 (R-naught) cao hay nói cách khác, cứ mỗi ca nhiễm sẽ có thể lây cho trung bình 5-8 người, trong khi đối với biến thể Vũ Hán, giá trị R0 là 2,2-3.
"Có khả năng B.1.617.2 (Delta) sẽ thay thế những biến thể khác như những gì đã xảy ra ở các nơi khác trên thế giới", Giáo sư Awang Bulgiba Awang Mahmud thuộc Cơ quan Dịch tễ học nghiên cứu về Covid-19, cho hay.
Xem thêm: Biến chứng sau nhiễm Covid-19 khiến chúng ta không thể 'sống chung' như bệnh cúm
Ngoài sự xuất hiện của các chủng mới, theo Tiến sĩ Bulgiba, sự lây lan rộng trong cộng đồng do việc thông gió kém, quy trình chăm sóc sức khỏe giảm sút bởi đại dịch kéo dài là những nguyên nhân khiến các ca bệnh tăng cao trên khắp Malaysia.
Cho đến nay, Malaysia đã ghi nhận 273 ca mắc biến thể cần quan tâm, trong đó 67 ca nhiễm biến thể Delta. Việc xét nghiệm Covid-19 đã tăng hơn 30%.
Trong khoảng thời gian từ ngày 6/7 đến ngày 12/7, tổng cộng 825.373 xét nghiệm đã được thực hiện, nhiều hơn 200.728 xét nghiệm so với từ ngày 29/6 đến 5/7.
Nhà dịch tễ học và thống kê sinh học Kamarul Imran Musa, phó giáo sư tại Đại học Sains Malaysia, cho hay: "Nhiều xét nghiệm dẫn đến nhiều trường hợp mắc hơn. Vì thế, để chắc chắn hơn, chúng ta có thể xem xét tỷ lệ ca dương tính. Thật không may, kể từ tuần trước hoặc xa hơn thế, tỷ lệ ca dương tính dường như có xu hướng tăng lên, cho thấy khả năng lây nhiễm ngày càng tăng".
Một số bang, chẳng hạn như Selangor, ghi nhận tỷ lệ ca dương tính vượt quá 10% trong 7 ngày liên tiếp.
Trong nỗ lực hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, một số bang và địa phương hiện đang có lệnh kiểm soát di chuyển, trong đó người dân không được phép rời khỏi nhà ngoại trừ việc mua các vật dụng cần thiết và khi gặp vấn đề y tế, bao gồm cả tiêm chủng
Tiến sĩ Bulgiba quả quyết: “Chiến lược phòng ngừa dài hạn thực sự duy nhất là tiêm chủng".
Ông cho biết vaccine của hãng Pfizer-BioNTech và AstraZeneca có tác dụng chống lại các biến thể Delta và Beta sau 2 mũi, trong khi một liều duy nhất không đem lại hiệu quả bảo vệ tối ưu.
Xem thêm: Tốc độ 'phủ sóng' của vaccine Covid-19 trên thế giới lúc này ra sao?