Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

EU cảnh báo Anh: 'Kẻ đào ngũ sẽ không được đối xử tử tế'

Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Jean-Claude Juncker ngày hôm qua (29/6) đã thẳng thừng cảnh báo Anh giữa hội nghị thượng đỉnh EU rằng, “những kẻ đào ngũ” sẽ không thể được đối xử tử tế.

Anh có lẽ sẽ phải đi hết từ cơn sốc này đến cơn sốc khác. Sau khi choáng váng vì kết quả không ngờ tới của cuộc trưng cầu dân ý khiến Anh phải nói lời chia tay với Liên minh Châu Âu (EU) mà họ gắn bó mấy chục năm qua, nước này lại phải chịu thêm cú sốc từ lập trường có phần phũ phàng của giới lãnh đạo EU.

Thủ tướng Anh Cameron (bên trái) đang trò chuyện với Cao uy Chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) tại hội nghị thượng đỉnh EU

Thủ tướng Anh Cameron (bên trái) đang trò chuyện với Cao uy Chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) tại hội nghị thượng đỉnh EU

Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Jean-Claude Juncker ngày hôm qua (29/6) đã thẳng thừng cảnh báo Anh giữa hội nghị thượng đỉnh EU rằng, “những kẻ đào ngũ” sẽ không thể được đối xử tử tế. Đây là câu trả lời có lẽ là phũ phàng nhất và gây sốc nhất của một nhà lãnh đạo EU trước đòi hỏi của Anh về việc tiếp tục được hưởng những thuận lợi trong khu vực mậu dịch tự do nhưng được hạn chế vấn đề tự do đi lại, nhập cư.

Một loạt các nhà lãnh đạo EU đã đều đồng loạt đưa ra những phát biểu nhấn mạnh, Anh đừng mơ được hưởng bất kỳ sự ngoại lệ nào nếu muốn tiếp tục tham gia vào khu vực mậu dịch tự do của liên minh với tư cách không phải là một thành viên.

Trước đó, tham dự ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh EU kéo dài trong 2 ngày 28 và 29/6 ở thủ đô Brussels của Bỉ, Thủ tướng Anh David Cameron đã đổ lỗi cho chính sách nhập cư của EU là nguyên nhân chính dẫn đến việc người Anh bỏ phiếu đòi rời khỏi liên minh (Brexit). Theo lời ông Cameron, người dân Anh hiểu rõ họ được lợi về kinh tế khi là một thành viên của EU nhưng vẫn quyết “dứt áo ra đi” vì nghĩ rằng vấn đề nhập cư đã vượt quá khỏi tầm kiểm soát.

Vì thế, Thủ tướng Cameron bày tỏ, Anh muốn ký một thoả thuận thương mại tự do với EU nhưng với điều kiện vấn đề tự do đi lại, nhập cư phải được hạn chế. Đây là điều mà giới lãnh đạo EU không chấp nhận.

EU nhấn mạnh, Anh sẽ không được tiếp cận thị trường chung của Châu Âu nếu không chấp nhận quy định tự do đi lại trong khu vực.

Trong ngày họp thứ hai giữa 27 nguyên thủ của các nước thành viên không có Anh, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí với nhau rằng, Anh sẽ không nhận được bất kỳ sự ứng xử ngoại lệ nào nếu nước này muốn tiếp tục mua bán hàng hoá trong khu vực thương mại tự do miễn thuế với tư cách là một nước không còn là thành viên của EU.

Ông Donald Tusk - Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, tuyên bố, sẽ không có chuyện Anh có thể tiếp cận thị trường chung của EU như là “đi ăn gọi theo món”. Thông điệp rõ ràng mà giới lãnh đạo EU đưa ra với Anh là, để được tiếp cận với thị trường chung Châu Âu đòi hỏi Anh phải chấp nhận cả 4 tự do sau: tự do đi lại, tự do trao đổi hàng hoá, dịch vụ và vốn.

Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel - một trong những “thủ lĩnh” hàng đầu trong EU, tuyên bố: “Chúng tôi đảm bảo sẽ không có cuộc thương lượng nào được tiến hành dựa trên nguyên tắc hái cherry (nghĩa là Anh chỉ lựa chọn những điều kiện có lợi cho riêng họ). Bất kỳ quốc gia nào muốn rời khỏi gia đình này không thể kỳ vọng rũ bỏ hết nghĩa vụ và chỉ biết lợi ích riêng của bản thân”.

Những phát biểu được đưa ra liên tiếp trong mấy ngày qua của các quan chức EU đều có chung một thông điệp cô động và cứng rắn rằng, Anh không nên kỳ vọng hay mong chờ có được những lợi ích thương mại như nước này từng được hưởng trước đây.

Phản ứng trên của giới chức EU là hoàn toàn dễ hiểu. Việc Anh tìm cách thoả thuận, đòi hỏi những điều kiện thuận lợi cho mình sau khi rời khỏi liên minh vào thời điểm này chỉ khiến EU thêm tức giận. Giới lãnh đạo EU vốn đã đang búc xúc và cực kỳ lo lắng trước cú địa chấn lớn nhất lịch sử trong 59 năm qua mà Anh gây ra cho liên minh. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Anh với việc người dân đòi “ly hôn” với EU đã giáng một đòn “búa tạ” vào liên minh từng được xem là thành công nhất thế giới này. Không những thế, nguy cơ về hiệu ứng domino gây ra từ hành động của Anh còn đang hiển hiện và nó có thể kéo đổ cả một liên minh hùng hậu được 28 nước thành viên đổ bao công sức trong suốt gần 60 năm qua để gây dựng nên.

Trong khi các nước EU đang cuống cuồng tìm cách vực dậy liên minh sau cú địa chấn vừa rồi thì Anh - một thành viên mà EU xem là đã “phản bội” họ, lại “dám” lên tiếng đòi hỏi những thuận lợi. Đó là một điều không thể chấp nhận với các nhà lãnh đạo EU. Bản thân EU cũng muốn tránh kịch bản các nước thành viên khác thấy Anh tách khỏi EU mà vẫn được lợi thì sẽ theo chân Anh đòi hỏi một vị thế đặc biệt tương tự. Đây là tiền lệ quá nguy hiểm với EU và nó có thể là “cú huých” đẩy các quân bài domino lần lượt đổ.

Sự phũ phàng, cứng rắn của EU với Anh cũng được xem là một lời cảnh báo ngầm đến các nước thành viên khác rằng họ đừng có ý định đi theo chân của Anh.

Sau khi người Anh bỏ phiếu quyết định đòi “ly hôn” với EU, diễn biến trong những ngày qua cho thấy, cuộc ly hôn này sẽ rất phức tạp, khó khăn và đau đớn. EU đang muốn Anh rời khỏi liên minh của họ càng sớm càng tốt.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Yến Linh

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giải mã sức hút của show 'Hành Trình Kỳ Thú' đang phát trên MyTV