“Sự xáo trộn ngắn hạn”
Yuri Ushakov, Trợ lý chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Putin cho biết Syria sẽ là chủ đề chính trong cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, đường ống TurkStream, dự án năng lượng hạt nhân và việc nối lại các chuyến bay trọn gói cũng sẽ được đưa ra bàn thảo.
Về vấn đề Syria, ông Andrey Kortunov, chuyên gia chính sách đối ngoại cho rằng, hai bên vẫn có thể “xích lại gần nhau hơn” khi bàn về khả năng thúc đẩy chuyển tiếp chính trị, nhằm kết thúc cuộc nội chiến đã kéo dài 5 năm tại Syria và lên khung Hiến pháp mới cho nước này.
Ông Ibrahim Kalin, phát ngôn viên của Tổng thống Erdogan nhấn mạnh, tình trạng căng thẳng với Nga thời gian gần đây chỉ là “sự xáo trộn ngắn hạn” trong quan hệ bạn bè đã có từ hàng thế kỷ trước.
Đây có lẽ cũng là cách diễn đạt mà châu Âu mong là có thể dùng để định nghĩa tình trạng “không bằng mặt, chẳng bằng lòng” giữa 2 bên kể từ sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ quả quyết rằng chuyến công du của ông Erdogan tới Peterburg không phải là dấu hiệu cho thấy Ankara đang quay lưng với phương Tây mà chỉ là bước đi tiếp theo trong lộ trình bình thường hóa quan hệ với Moskva, vốn đã bắt đầu từ trước 15/7.
Nhưng nỗ lực tan băng với Moskva lại xảy đến đúng lúc mối quan hệ giữa Ankara và phương Tây có nhiều rạn nứt.
Quan hệ đã bị tổn hại tới mức tuần trước Ngoại trưởng Đức đã tuyên bố 2 bên không có cơ sở để đàm phán và “chúng tôi nói chuyện như 2 người đến từ 2 hành tinh khác nhau”. Thủ tướng Áo cũng đề nghị chấm dứt đàm phán về tư cách thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, cùng nhiều quan chức lại bất mãn với thái độ quan ngại của phương Tây về chiến dịch trấn áp và bắt giữ của ông Erdogan hậu đảo chính.
Theo Chính phủ Ankara, vụ đảo chính do những người ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen (hiện đang sống tại Mỹ) thực hiện. Vì thế, hàng chục nghìn người bị tình nghi là người ủng hộ Gulen đều bị bắt giữ, từ giáo viên, cảnh sát, thẩm phán cho tới quân nhân.
Tuy nhiên, Mỹ và EU cho rằng hành động này quá vội vàng và bừa bãi.
Cuộc gặp hé lộ nhiều khả năng
“Đối với Erdogan, cuộc gặp với Tổng thống Putin chắc chắn sẽ là cơ hội để cho các phương Tây thấy rằng, nước này có những lựa chọn chiến lược khác”, Sinan Ulgen, chuyên gia phân tích của Carnegie Europe nhận định.
“Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ nghiêng sang phía Nga nếu không duy trì được mối quan hệ với phương Tây”.
Cuộc gặp với Tổng thống Putin sẽ là cuộc gặp thứ 2 giữa ông Erdogan và một nguyên thủ quốc gia kể từ cuộc đảo chính. Hôm 5/8, ông Erdogan đã đón tiếp Tổng thống Kazakhstan tại Ankara.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng đặt nhiều nghi vấn vì chưa có lãnh đạo phương Tây nào tới thăm để thể hiện tình đoàn kết.
“Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều bị cô lập, theo như chủ ý của phương Tây”, ông Kortunov nhận định, “Âm mưu đảo chính đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ tới gần Nga hơn. Tuy nhiên 2 bên vẫn còn nhiều khác biệt”.
“Cuộc gặp giữa ông Putin và ông Erdogan sẽ cho thấy 2 bên sẵn sàng thỏa hiệp với nhau tới mức nào. Câu hỏi đặt ra là: Liệu nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng hiện nay có thể dẫn tới một mối quan hệ chiến lược sâu rộng hơn hay không”.
Dấu hiệu cho phương Tây?
Nếu Ankara và Moskva thân thiết hơn, tình thế sẽ trở nên bất lợi cho châu Âu.
Akin Unver, phó giáo sư thuộc Đại học Kadir Has cho biết:
“EU muốn đa dạng hóa nguồn cung và thiết lập đường dẫn khí đốt từ phía Đông Địa Trung Hải tới châu Âu về lâu về dài. Nếu bị Nga 'vượt mặt' bằng đường ống TurkStream, thì họ sẽ không làm được gì. Tuy nhiên hiện giờ cộng đồng này không có khả năng thương lượng. Về mặt chính trị, EU đang yếu thế”.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang bàn bạc lộ trình xây dựng đường ống TurkStream (Hình minh họa).
Về quan hệ với Mỹ, trái với sự lo ngại của nhiều người, Faruk Logoglu, cựu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng chuyến thăm Nga của ông Erdogan không đồng nghĩa với việc quan hệ Mỹ - Thổ bị tổn hại.
“Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ giống như một cuộc hôn nhân tôn giáo: Ly hôn là điều không thể. Đôi bên đều cần có nhau. Mối quan hệ này đã trải qua nhiều thử thách trong quá khứ và tôi nghĩ lần này (Ankara - Washington) cũng có thể vượt qua”.
Washington chắc chắn sẽ theo dõi sự kiện này một cách chặt chẽ bởi nước này đang mắc kẹt với yêu cầu dẫn độ Fethullah Gulen của Thổ Nhĩ Kỳ. Gulen phủ nhận có liên quan tới âm mưu đảo chính và Washington tuyên bố sẽ chỉ dẫn độ ông này nếu Ankara đưa ra đủ bằng chứng.