CEO Tesla Elon Musk hiện tại sở hữu 302 tỷ USD, trở thành người đầu tiên trên thế giới sở hữu 300 tỷ USD. Giá trị tài sản của tỷ phú Musk bắt đầu tăng mạnh cuối tháng 10 khi cổ phiếu Tesla đi lên sau thương vụ bán 100.000 xe cho công ty cho thuê xe Hertz Global Holdings. Tesla cũng chính thức gia nhập câu lạc bộ vốn hóa nghìn tỷ USD.
Không chỉ "cầm trịch" Tesla, Elon Musk còn là CEO SpaceX, người sáng lập công ty The Boring Company, và cũng là đồng sáng lập OpenAI và Neuralink…
Trên thế giới này, dường như không có gì mà Elon Musk không làm được.
Tuy nhiên, mọi thứ không phải lúc nào cũng dễ dàng với Elon Musk. Để nắm trong tay khối tài sản trị giá hơn 202 tỷ USD (theo thống kê của Bloomberg Billionaires Index vào hôm 10/2/2021) và trở thành người giàu nhất thế giới, Elon Musk đã nếm đủ "cay, đắng, ngọt, bùi" và bao khó khăn, thử thách.
Tuổi thơ bị bắt nạt
Elon Musk sinh ngày 28/6/1971 ở Pretoria, Nam Phi. Bố của ông - Errol Musk - là một kỹ sư điện tử, còn mẹ của ông là Maye Musk, một chuyên gia dinh dưỡng và cũng là người mẫu chuyên nghiệp từng xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Time.
Sau khi cha mẹ ly hôn vào năm 1979, Elon Musk khi ấy 9 tuổi cùng cậu em trai Kimbal Musk đã quyết định đến sống với bố.
Elon Musk từ nhỏ đã tỏ ra ham đọc sách và có niềm yêu thích với lập trình. Năm học lớp 4, ông gần như dành trọn thời gian để đọc cuốn Encyclopedia Britannica (Bách khoa toàn thư Britannica), thay vì đi chơi như những đứa trẻ khác.
Khoảng thời gian đi học không hề dễ dàng với Elon Musk khi từng bị đánh đến mức phải nhập viện bởi những kẻ bắt nạt. Ông thậm chí còn bị xuống một dãy cầu thang và đánh đập cho đến khi bất tỉnh.
Dẫu vậy, điều này cũng không thể ngăn ông thực hiện những điều phi thường. Năm 1983 khi mới 12 tuổi, Elon Musk bán một trò chơi đơn giản có tên "Blastar" cho một tạp chí máy tính với giá 500 USD. Elon Musk mô tả đây là "một trò chơi tầm thường ... nhưng hay hơn Flappy Bird."
Sau khi tốt nghiệp trung học, Musk chuyển đến Canada, sống cùng với mẹ, chị gái Tosca và em trai Kimbal.
Ông đã học 2 năm ở trường Đại học Queen ở Kingston, Ontario và hoàn thành nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania, thuộc bang Pennsylvania (Mỹ), thông qua chương trình chuyển tiếp đại học, sở hữu 2 tấm bằng chuyên ngành về Vật Lý và Kinh Tế.
Trong khi đang học ở Đại học Pennsylvania, Musk đã cùng với người bạn học thuê một căn nhà có 10 phòng ngủ và biến nó thành một câu lạc bộ đêm. Trải nghiệm này đã giúp ông có thêm kinh nghiệm kinh doanh đầu đời.
Sau khi tốt nghiệp tại trường Pennsylvania, Elon Musk đến Đại học Stanford để học tiến sĩ - nhưng trước khi chương trình học bắt đầu ông đã rời bỏ trường để theo đuổi đam mê. Musk đã hoãn nhập học chỉ sau hai ngày ở California và quyết định thử vận may của mình trong thời kỳ bùng nổ Internet. Ông không bao giờ trở lại Stanford để hoàn thành chương trình tiến sĩ.
Thách thức trên đường đến thành công
Sau khi bỏ dỡ chương trình tiến sĩ, Elon Musk cùng với em trai của mình, Kimbal, đã dùng 28.000 USD của bố và khởi nghiệp Zip2, một công cụ lấy cảm hứng từ việc thay thế những quyển sổ địa chỉ Yellow Pages nặng nề thời kỳ đó.
Để tiết kiệm chi phí, cả hai phải ngủ và tắm nhờ tại văn phòng của YMCA (Hiệp hội thanh niên Cơ đốc). Musk lúc đó, là lập trình viên chính nên phải "cắm mặt" trước máy tính để làm việc.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của cả hai đó là vào năm 1995, rất khó để thuyết phục các doanh nghiệp tin rằng Internet có vai trò quan trọng, nhiều doanh nghiệp thời đó cho rằng, quảng cao trực tuyến là “chuyện ngớ ngẩn nhất mà họ từng nghe".
Dẫu vậy, tưởng táo bạo này đã mang lại thành công cho 2 anh em nhà Musk, hàng loạt công ty lớn nhỏ trên khắp nước Mỹ đăng ký sử dụng Zip2, tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành tra cứu.
Năm 1999, ông bán lại Zip2 cho Compaq với giá xấp xỉ 341 triệu USD bằng tiền mặt và cổ phiếu, và Musk kiếm được 22 triệu USD từ thương vụ này.
“Bản thân tôi cũng bất ngờ vì lại có người trả hàng đống tiền cho phần mềm chúng tôi tạo ra”, Elon Musk từng tâm sự.
Thời “bong bong dot.com” (thời buổi bùng nổ Internet), các triệu phú sau khi đã đạt được thành công, họ hoặc sẽ rút rui về hậu trường để tận hưởng những thú vui và chọn cấp vốn cho một doanh nghiệp mới thành lập để đổi lấy quyền sở hữu một phần công ty, hoặc sẽ thành lập một công ty mới bằng tiền của người khác.
Tuy nhiên, Musk là người thích “phá luật”. Ông không lựa chọn con đường nhàn hạ đó mà quyết định dồn số tiền có trong tay để thực hiện một ý tưởng to lớn hơn nhiều - thay đổi cả thế giới.
“Tôi muốn công ty thứ hai phải có ảnh hưởng tầm toàn cầu. Tôi chuyển hướng sang ngành tài chính, vì cảm thấy có nhiều cảm hứng và tiềm năng của ngành này khi kết hợp với Internet”, Elon Musk từng chia sẻ.
Sử dụng 10 triệu USD từ số tiền kiếm được sau thương vụ bán Zip2, Musk đã khởi nghiệp tiếp với X.com, một công ty ngân hàng trực tuyến, vào năm 1999.
Sau khoảng 1 năm, X.com sáp nhập với Confinity, một startup về tài chính do Peter Thiel và Max Levchin đồng sáng lập, để thành lập công ty mới tên là PayPal.
Thương vụ sáp nhập này, một mặt, tạo ra nhiều thuận lợi nhưng cũng đồng thời dẫn đến hàng loạt mâu thuẫn nội bộ. Đến cuối năm 2000, khi xung đột lên đến đỉnh điểm, những người chống lại Musk đã tiến hành “đảo chính” và đưa Thiel lên làm CEO.
Dù vậy, Musk vẫn là người đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của công ty và là nhân tố cốt lõi trong thương vụ bán PayPal cho eBay với giá 1,5 tỷ USD vào năm 2002. Là cổ đông cá nhân lớn nhất của PayPal, Elon Musk bỏ túi 165 triệu USD khi mới 31 tuổi.
Tầm nhìn vươn ra ngoài vũ trụ
Năm 2002, trước khi thương vụ bán PayPal cho eBay hoàn tất, Musk đã bắt đầu nghiên cứu về công nghệ tên lửa.
Dùng 100 triệu USD đang có trong tay, ông bắt đầu thành lập Tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian SpaceX - với mục tiêu cách mạng hóa chi phí du hành vũ trụ, giúp con người trở thành một sinh vật có thể tồn tại được trên nhiều hành tinh thông qua quá trình “thuộc địa hóa” sao Hỏa với ít nhất 1 triệu “cư dân” trong thế kỷ tới.
Năm 2004, khi SpaceX vừa mới đi vào hoạt động, Musk lại tiếp tục xây dựng thêm một công ty “không tưởng” khác - Công ty sản xuất xe điện có tên là Tesla với mục đích cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô trên toàn thế giới, giúp loài người thực hiện một bước nhảy vọt tới tương lai của năng lượng bền vững.
Ông cũng tự bỏ ra 70 triệu USD tiền túi để thực hiện ý tưởng này, mặc dù thực tế rằng rất hiếm startup sản xuất xe hơi ở Mỹ nào thành công, ngoại trừ trường hợp của hãng Chrysler vào năm 1925. Sau Chrysler, không hề có thêm một công ty mới thành lập nào thuộc lĩnh vực này thành công nữa cả.
Hai năm sau đó, Musk lại bỏ ra 10 triệu USD để cùng với các anh em họ của mình thành lập một công ty khác có tên là SolarCity - với mục tiêu cách mạng hóa việc sản xuất năng lượng mặt trời cho hàng triệu hộ gia đình, góp phần giảm đáng kể lượng tiêu thụ điện năng được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch, đồng thời “đẩy nhanh việc đưa năng lượng bền vững vào sử dụng đại trà”.
Tuy nhiên, việc hiện thực hóa những ước mơ không phải là điều dễ dàng với bất kỳ ai, kể cả Elon Musk.
Thất bại nhưng không hề nản lòng
Space X từng bị coi là tốn tiền khi ngốn tới hàng trăm triệu USD cho những lần thử nghiệm tên lửa mới. Ông Musk đã đầu tư 100 triệu USD để phát minh 3 tên lửa đầu tiên, nhưng cả 3 đều phát nổ trước khi được phóng vào quỹ đạo.
Sau 3 lần phóng tên lửa bất thành và bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính 2008, các công ty của ông Musk đứng trên bờ vực phá sản.
Elon từng than thở thất bại thứ 4 sẽ là hồi kết của SpaceX, nhưng ông vẫn đánh cược toàn bộ tài sản cho lần phóng tên lửa thứ 4. Vị tỷ phú cũng phải nhờ đến sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và một số nhà đầu tư để cứu vãn tình hình.
Mọi nỗ lực được đền đáp, vào tháng 8/2008, SpaceX phóng tên lửa thứ 4 và thành công đúng như mong đợi. Điều này là đủ để NASA tin tưởng Musk. Ngày 23/12/2008, cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) đã quyết định trao cho SpaceX hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD để tiếp vận Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). SpaceX được cứu sống.
Năm 2021, Elon Musk được tạp chí Time nổi tiếng Mỹ vinh danh là "Nhật vật của năm" vì "những giấc mơ về sao Hỏa của ông đã vượt ra ngoài trái đất, bất khuất và mạnh mẽ".