Chỉ trong hai tuần ngắn ngủi, số bệnh nhân nhiễm Covid-19 trên du thuyền Diamond Princess ở Nhật Bản đã tăng từ 10 lên hơn 600 người. Trước tình hình đó, các chuyên gia cảnh báo chiếc tàu này có thể là một trong những “ổ dịch” nghiêm trọng nhất. Du thuyền mang theo 3.700 hành khách và thủy thủ đã trở thành nơi bùng phát virus corona với quy mô lớn nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục, buộc phải cách ly trong vòng hai tuần theo đúng quy định. Trong thời gian đó, số người nhiễm bệnh trên tàu vẫn không ngừng tăng lên.
Giải thích cho hiện tượng này, các chuyên gia cho biết điều kiện lưu thông không khí kém trên tàu có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến dịch bệnh lây lan. “Đây là môi trường thuận lợi để lan truyền các chủng virus như Covid-19”, trích lời Jean-Paul Rodrigue, Giáo sư khoa địa lý giao thông tại Đại học Hofstra ở New York, Mỹ. “Điều kiện lưu thông không khí ở đó còn kém hơn cả máy bay. Có vẻ chính phủ Nhật Bản đã nhận ra đây là môi trường tồi tệ nhất cho việc cách ly”.
William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Vanderbilt (Mỹ), cũng đồng ý với nhận định này. Không khí trên máy bay được tuần hoàn và lưu chuyển khắp cabin, kết hợp với không khí loãng được hút từ bên ngoài. Luồng khí này được lọc sạch bằng thiết bị có chất lượng tương đương với bộ lọc không khí trong phòng mổ.
Chủng virus corona mới gây ra dịch Covid-19 có thể lây truyền qua không khí, do đó, cơ quan y tế các quốc gia đề nghị người dân nên giữ khoảng cách tối thiểu là 2 m khi tiếp xúc với những cá nhân nghi nhiễm bệnh. Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết những hành khách ngồi trên hai ghế bên cạnh chỗ của người nhiễm bệnh là các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao nhất.
Thế nhưng, khi ở trên tàu, hành khách và thủy thủ đoàn có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn, khiến khả năng lây lan dịch bệnh tăng cao, đặc biệt là các nhân viên phục vụ. Schaffner cho biết: “Các nhân viên sinh hoạt cùng nhau trong phòng ký túc, trong khi vẫn phải ra ngoài làm việc, tương tác liên tục với nhau và những hành khách khác để đảm bảo con tàu hoạt động. Họ phải đứng đối diện nhiều người với khoảng cách gần, thậm chí lướt qua nhau ở hành lang chật hẹp. Đây là môi trường lý tưởng để dịch bệnh có cơ hội bùng phát”. Trong tình hình đó, một căn phòng có cửa sổ hoặc ban công sẽ cải thiện việc lưu thông không khí, giảm rủi ro nhiễm bệnh cho một số du khách.
Song, không phải lúc nào thảm kịch này cũng xảy ra với các du thuyền bị cách ly - MS Westerdam là một ví dụ điển hình. Con tàu này đã lênh đênh qua 5 cảng biển liên tiếp nhưng vẫn bị từ chối cho cập bến vì lo ngại virus corona. Mãi đến tuần trước, các thành viên trên tàu mới có cơ hội quay lại đất liền với sự cho phép của chính phủ Campuchia. Cho đến nay, không có thêm du khách nào trên tàu bị xác nhận nhiễm Covid-19, ngoại trừ một người phụ nữ quốc tịch Mỹ cho kết quả dương tính với virus sau khi bay từ Campuchia về Malaysia.
Câu chuyện của hai du thuyền trong “tâm bão” dịch bệnh đã phản ánh những thách thức mà chính quyền quốc tế phải đối mặt khi cố gắng ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, khiến hơn 76.000 người mắc bệnh và 2.200 người chết, chủ yếu là cư dân Trung Quốc đại lục. Theo các chuyên gia, động thái của chính quyền thành phố Yokohama hoàn toàn có thể thông cảm, bởi họ phải đối diện với vấn đề đạo đức khi ra quyết định cách ly cả nghìn du khách trên tàu.
Muốn loại bỏ mầm bệnh khỏi du thuyền, phải tiến hành sơ tán tất cả người trên tàu và tiến hành quy trình vệ sinh, khử trùng. “Chính phủ Nhật Bản tin rằng mình có khả năng kiểm soát dịch bệnh trên tàu, nhưng họ đã lầm”, Rodrigue nhận định. Đáng quan ngại hơn, kết quả nghiên cứu cho thấy tình hình bùng phát dịch bệnh trên các du thuyền là điềm báo sắp xuất hiện biến thể của chủng virus mới, trích tuyên bố của Marian Koopmans, người đứng đầu bộ phận virus học tại Trung tâm y tế Erasmus ở Rotterdam (Hà Lan).
Dù đã qua thời gian cách ly hai tuần, song các du khách rời khỏi du thuyền Diamond Princess vẫn chưa thể hòa nhập với cộng đồng. Giới chức Mỹ, Canada, Úc, Hàn Quốc và Hong Kong, quê hương của các hành khách trên, cho biết họ cần phải tự cách ly thêm 14 ngày nữa, thậm chí cư trú trong căn cứ quân sự để kiểm tra sức khỏe, đảm bảo không lây bệnh cho người xung quanh. Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato cũng khuyến khích du khách từ Diamond Princess theo dõi sức khỏe của bản thân và hạn chế đến nơi đông người.
Trong một video phóng sự gây xôn xao dư luận, Kentaro Iwata, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đến từ Nhật Bản đã tiến hành các biện pháp khử trùng tàu Diamond Princess. Ông cho biết con tàu này hoàn toàn không đạt chuẩn về quy cách ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, trên tàu cũng không phân chia khu vực dành riêng cho bệnh nhân và những người không bị nhiễm virus.
Stanley Deresinski, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Stanford (Mỹ), phát biểu: “Khi chưa chắc chắn về khả năng lây lan của virus, biện pháp tốt nhất là sơ tán tất cả hành khách và nhân viên trên tàu, đưa đến nơi cách ly an toàn, kiểm soát được điều kiện không khí cũng như môi trường xung quanh. Thế nhưng, số lượng du khách trên tàu Diamond Princess quá lớn, điều này không khả thi”. Tuy nhiên, khi ra quyết định cách ly tại chỗ, không ai ngờ được virus có thể lan truyền với tốc độ chóng mặt đến thế. Có vẻ chúng ta đã đánh giá thấp khả năng lây lan của chủng virus này.