Để thực hiện ý tưởng “sống già một ngày”, Feng Jing đã lấy hết can đảm hòa mình vào “vòng tròn cuộc sống” của những người lớn tuổi. Cô bắt đầu bằng việc ăn mặc, hóa trang như một bà lão và chơi bài, mạt chược cùng những người hàng xóm trong hội người cao tuổi địa phương.
Vì muốn thấu hiểu cuộc sống của người già, Feng Jing đã làm tất cả các công việc quen thuộc của những người lớn tuổi trong khu vực nơi cô ở. Cô đi siêu thị và nhà thuốc một mình rồi ngồi xuống nghỉ một chốc tại ghế đá trên đường quay ngược về nhà.
Feng cho biết khi ngồi nghỉ ngơi, những gì cô cảm thấy chỉ là nỗi cô đơn và sự buồn tẻ bởi vì hầu hết hoạt động của những người lớn tuổi chỉ quanh quẩn gần nhà. Trải nghiệm này đối với cô là vô giá và cô hy vọng nó sẽ góp phần đánh động ý thức của xã hội về việc chăm sóc cha mẹ lớn tuổi.
Ở Trung Quốc, nhiều người rời xa cha mẹ tại các vùng quê và đi đến các đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Châu… để làm việc. Do khối lượng công việc nặng nề, người ta chỉ có cơ hội trở về nhà vào dịp Tết hàng năm.
Người Trung Quốc thường ví gia đình như một tổ ấm. Chim bố, chim mẹ mớm mồi chăm sóc bầy chim non, đến khi chúng đủ lông đủ cánh sẽ bay đi tạo dựng cho mình cuộc sống mới. Thiếu bầy chim non ríu rít quây quần xung quanh bố mẹ, chiếc tổ sẽ trống rỗng. Đó là hình ảnh của những gia đình mà các nhà ngôn ngữ và xã hội học đặt cho một cái tên bóng bẩy là “gia đình tổ rỗng” (empty nest family) và cha mẹ trong gia đình ấy chính là các “tổ rỗng viên” (empty nesters). |