Giới chuyên gia lo ngại các chính phủ sẽ “khuất phục” trước áp lực kinh tế và dỡ phong tỏa quá sớm, tạo cơ hội cho Covid-19 bùng lại. “Dỡ bỏ hạn chế quá nhanh có thể dẫn đến dịch bùng phát nguy hiểm trở lại”, giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
Christian Brechot, chủ tịch Viện Pasteur, cựu chủ tịch Viện Nghiên cứu Y khoa Quốc gia Pháp INSERM, nói rằng chúng ta phải “thật khiêm nhường và thận trọng” với loại virus mà nhiều quốc gia từng đánh giá thấp.
Jean-Francois Delfraissy, người đứng đầu hội đồng khoa học tư vấn cho chính phủ Pháp, nhận định có một số điều kiện tiên quyết để dỡ bỏ các biện pháp kiềm tỏa.
Đầu tiên, số ca chăm sóc tích cực cần giảm rõ rệt. Điều này giúp các nhân viên y tế kiệt sức có thời gian nghỉ ngơi, bệnh viện có thể bổ sung thiết bị và vật tư.
Tỷ lệ lây nhiễm của Covid-19, tức khả năng một người nhiễm bệnh có thể lây cho bao nhiêu người, cần phải giảm xuống dưới một, so với 3,3 khi dịch mới bùng phát.
Cuối cùng, cần có đủ khẩu trang để bảo vệ người dân và kit xét nghiệm để theo dõi chặt chẽ tình hình lây lan. Ví dụ, ở Pháp, khả năng sàng lọc cần tăng từ 30.000 xét nghiệm mỗi ngày lên 100.000 hoặc thậm chí 150.000 mỗi ngày vào cuối tháng 4, Delfraissy nói.
“Chúng ta sẽ không chuyển từ đen sang trắng, mà từ đen sang xám, các biện pháp hạn chế vẫn được tiếp tục”, Delfraissy nhận định. “Chúng ta có thể bắt đầu thảo luận về giai đoạn hậu phong tỏa, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là duy trì phong tỏa nghiêm ngặt trong vài tuần”.
Antoine Flahault, chuyên gia về dịch tễ học tại Đại học Geneva, nói với đài truyền hình France 2 rằng không nên dỡ phong tỏa khi dịch vừa chững lại, mà chỉ làm việc đó “khi đã thấy sự suy giảm”.
Nhà nghiên cứu Brechot cũng cho biết ông “hy vọng từ giữa tháng 5, chúng ta sẽ thấy các chỉ số giảm”, điều đó sẽ cho phép “nới lỏng dần” các hạn chế.
Trong khi đó, tại châu Âu, lục địa bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong Covid-19, một số quốc gia bắt đầu dỡ bỏ một phần hạn chế.
Đức, nơi ghi nhận số ca nhiễm mới giảm và chịu ảnh hưởng nhẹ hơn một số nước láng giềng, đang suy tính dỡ bỏ hạn chế theo các giai đoạn. Áo sẽ cho phép các doanh nghiệp nhỏ mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ Phục sinh vì tin rằng họ đã “làm phẳng đường cong” của dịch thành công.
Đan Mạch sẽ mở lại nhà trẻ và trường tiểu học từ ngày 15/4, trong khi Cộng hòa Czech đã bắt đầu nới lỏng hạn chế, bao gồm mở một số cửa hàng. Các quốc gia đang theo bước Trung Quốc, nơi đã gỡ phong tỏa với tâm dịch Vũ Hán sau khi các biện pháp nghiêm ngặt phát huy hiệu quả.
Trong khi đó, ở những nơi khác tại châu Âu, có ít dấu hiệu cho thấy những hạn chế sẽ sớm được giảm bớt. Anh đã ghi nhận hơn 11.000 người chết vì nCoV. Pháp gia hạn phong tỏa cho đến 11/5.
Giám đốc dịch vụ y tế quốc gia Pháp Jerome Salomon mô tả việc số ca chăm sóc tích cực giảm nhẹ như một “tia nắng nhạt”. Ông đánh giá dịch đã chững lại và đường cong dịch đang có xu hướng đi ngang sau khi đạt đỉnh.
Dịch có vẻ cũng đang chững lại tại Italy và Tây Ban Nha, với số ca tử vong hàng ngày dần giảm xuống. Nhưng sau một quãng thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề, không một quốc gia nào buông lỏng cảnh giác. Italy gia hạn phong tỏa cho đến ngày 3/5, Tây Ban Nha ra quyết định tương tự cho đến 25/4. Ireland, Bồ Đào Nha và Bỉ cũng gia hạn phong tỏa.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn có những ẩn số có thể tác động đến các điều kiện nới lỏng phong tỏa, bao gồm khả năng phát triển ứng dụng điện thoại thông minh để theo dõi lịch sử tiếp xúc của người nhiễm. Các nhà khai thác di động đã cung cấp dữ liệu vị trí cho các nhà nghiên cứu y tế ở Pháp và Đức.
Một ẩn số lớn khác là tác động của mùa hè đối với tình hình dịch ở bán cầu bắc. Virus đường hô hấp thường ít hoành hành hơn trong những tháng ấm hơn nhưng liệu nCoV có như vậy?
“Nếu Covid-19 không 'nghỉ hè' thì việc dỡ phong tỏa sẽ phức tạp hơn”, nhà dịch tễ học Flahault nói.