Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Điều gì xảy ra với phổi của người bệnh COVID-19?

Từ không có triệu chứng gì cho đến biểu hiện viêm phổi nặng, dưới đây là tác động của COVID-19 lên phổi bệnh nhân qua nhận định của bác sĩ chuyên khoa hô hấp.

COVID-19 là căn bệnh gây ra bởi chủng virus SARS-CoV-2, khiến người bệnh có triệu chứng sốt, ho, khó thở, đau cơ, mệt mỏi, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tính, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng khiến người bệnh tử vong. Hiện COVID-19 đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố là đại dịch toàn cầu. Dù lây lan cực kỳ nhanh nhưng đa số những người nhiễm bệnh đều chỉ bị các triệu chứng nhẹ, tương tự như cảm lạnh.

WHO cho biết khoảng 80% những người mắc COVID-19 có thể tự hồi phục mà không cần điều trị chuyên khoa, chỉ có 1/6 người xuất hiện triệu chứng bệnh nặng và khó thở. Vậy làm thế nào mà COVID-19 có thể phát triển thành một căn bệnh nghiêm trọng hơn cả viêm phổi, nó tác động ra sao đến phổi nói riêng và cơ thể người bệnh nói chung?

COVID-19 tác động đến con người thế nào?

Theo Giáo sư John Wilson, chủ tịch Trường Đại học Y Hoàng gia Australia (RACP) kiêm bác sĩ chuyên khoa hô hấp, hầu hết các trường hợp mắc COVID-19 nặng đều dẫn đến viêm phổi thứ cấp. Những bệnh nhân nhiễm virus có thể được xếp vào 4 nhóm chính.

Người nhiễm COVID-19 nhẹ vẫn có thể lây lan virus.

Đầu tiên và cũng ít nghiêm trọng nhất là nhóm vừa được chẩn đoán lâm sàng và những người đã nhiễm virus nhưng không có triệu chứng. Nhóm thứ hai bao gồm những người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, có thể sốt, ho và xuất hiện các triệu chứng nhẹ như đau đầu hoặc viêm kết mạc. Những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ vẫn có thể vô ý lan truyền virus mà không hay biết.

Thành phần đông nhất trong số bệnh nhân COVID-19 là những người phải nhập viện điều trị với triệu chứng tương tự bệnh cúm. Nhóm cuối cùng, cũng là nhóm có bệnh tình nặng nhất, sẽ phát triển thành viêm phổi. Tại Vũ Hán, chỉ có 6% những người nhập viện vì có kết quả dương tính với COVID-19 xuất hiện triệu chứng nặng. WHO cho biết người già và những người có bệnh tiềm ẩn như huyết áp cao, các vấn đề về tim, phổi hoặc tiểu đường có nhiều khả năng mắc bệnh nghiêm trọng hơn.

Viêm phổi phát triển ra sao?

COVID-19 có thể phát triển thành viêm phổi.

Khi bệnh nhân có triệu chứng ho và sốt, đó là dấu hiệu cho thấy đường hô hấp trên bị nhiễm trùng. Niêm mạc đường hô hấp đã bị tổn thương, gây viêm nhiễm, kích thí.ch đến dây thần kinh trong niêm mạc đường thở. Lúc này, chỉ cần một hạt bụi rơi vào cũng khiến người bệnh ho. “Tuy nhiên, nếu bệnh tồi tệ hơn, virus sẽ men theo đường dẫn khí đến phế nang ở cuối đường. Sau khi đi vào các bao khí ở dưới đáy phổi, mà bao khí này lại bị viêm, bệnh viêm phổi sẽ xuất hiện”, Wilson nói. Một khi phổi bị viêm, chúng sẽ không thể đưa đủ lượng oxy vào máu, giảm khả năng lấy oxy và đào thải carbon dioxide của cơ thể. Đó là nguyên nhân khiến bệnh nhân tử vong.

Phương pháp để điều trị viêm phổi là gì?

Giáo sư Christine Jenkins, chủ tịch của Tổ chức Phổi Úc và là bác sĩ khoa hô hấp hàng đầu, cho biết: “Thật không may, cho đến nay chúng tôi vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn viêm phổi do COVID-19. Các chuyên gia vẫn đang nghiên cứu và phối hợp các loại thuốc để chống lại virus SARS-CoV-2. Tại thời điểm này, chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài điều trị hỗ trợ, đó là cách được áp dụng với các bệnh nhân trong phòng chăm sóc đặc biệt”.

Bệnh nhân sẽ được trợ thở và duy trì lượng oxy cao trong phổi cho đến khi bộ phận này có thể hoạt động bình thường trở lại. Bệnh nhân bị viêm phổi do virus cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng thứ phát, do đó bác sĩ cũng sẽ kê cho họ thuốc chống virus và kháng sinh. Tuy nhiên, trong một số tình huống, người bệnh vẫn qua đời vì bệnh viêm phổi không thuyên giảm.

Viêm phổi do COVID-19 có giống bệnh viêm phổi thông thường không?

Theo nhận định của Jenkins, viêm phổi do COVID-19 khác với các trường hợp viêm phổi thông thường. Hầu hết bệnh viêm phổi đều do vi khuẩn gây ra và được điều trị bằng kháng sinh. Thế nhưng, viêm phổi do COVID-19 lại nghiêm trọng hơn khi có xu hướng ảnh hưởng đến toàn lá phổi thay vì những phần nhỏ.

Phổi của người bệnh sẽ bị tàn phá trên diện rộng.

“Nếu phổi bị nhiễm trùng và liên quan đến các phế nang, phản ứng đầu tiên của cơ thể là tiêu diệt virus và ngăn chặn chúng nhân lên về số lượng”, Wilson nói. Song, cơ chế này có thể suy yếu ở một số nhóm đối tượng, chẳng hạn như người mắc bệnh tim và phổi tiềm ẩn, bệnh tiểu đường và người già. Nhìn chung, đối tượng dễ trở thành nạn nhân của viêm phổi là những người từ 65 tuổi trở lên, người mắc các bệnh như tiểu đường, ung thư hoặc bệnh mãn tính ảnh hưởng đến phổi, tim, thận hoặc gan, người hút thuốc, trẻ từ 12 tháng tuổi trở xuống.

“Tuổi tác là yếu tố chính giúp phán đoán nguy cơ tử vong do viêm phổi thứ cấp. Căn bệnh này luôn rất nghiêm trọng với người cao tuổi, thực tế, đây từng là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở người già. Tuy nhiên, hiện giờ chúng tôi đã có phương pháp điều trị hiệu quả cho căn bệnh này”, Jenkins nói. “Hãy nhớ dù khỏe mạnh hay nặng động đến đâu, nguy cơ mắc bệnh viêm phổi của bạn cũng sẽ tăng dần theo tuổi tác vì hệ thống miễn dịch suy yếu, khiến cơ thể khó chống lại nhiễm trùng và bệnh tật”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết The Guardian

Được quan tâm

Tin mới nhất