Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, khuyến cáo người đã tiêm chủng nên đeo khẩu trang trong không gian kín sau khi phát hiện trên được công bố. Do vậy, để tránh bị lây virus, thân nhân, bạn bè và những người tiếp xúc với nhóm người được tiêm vaccine vẫn phải đề cao cảnh giác nếu họ có hệ miễn dịch kém.
Tính đến ngày 29/7, nước Mỹ ghi nhận trung bình 67.000 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày. Nếu những người được tiêm vaccine nhiễm phải biến thể Delta, rất có thể họ đang vô tình lây truyền nó cho những người xung quanh, dù tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với những người không được tiêm chủng.
Hiện vẫn chưa rõ mức độ phủ sóng của các ca nhiễm "đột phá", tức những trường hợp mắc COVID-19 dù đã tiêm đủ vaccine, và thời gian virus tồn tại trong cơ thể những bệnh nhân đó. Tuy nhiên, theo bà Walensky, số lượng các ca bệnh như trên là rất thấp.
Các loại vaccine vẫn có hiệu quả ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong. Tuy nhiên, biến thể Delta nguy hiểm hơn nhiều so với các phiên bản trước. Nó có khả năng lây lan cao gấp đôi so với chủng virus ban đầu.
Một nghiên cứu cho thấy số lượng virus ở những người chưa được tiêm chủng bị nhiễm Delta có thể cao hơn hàng nghìn lần so với những người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 phiên bản gốc.
Biến thể Delta cũng có xu hướng phát triển mạnh ở mũi. Tuy nhiên, khi xâm nhập vào phổi, các tế bào miễn dịch ở những người được tiêm vaccine tăng lên và nhanh chóng loại bỏ virus trước khi nó tàn phá cơ thể. Điều đó có nghĩa là những người được tiêm chủng sẽ bị bệnh trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với những người không được tiêm.
"Nhưng điều đó không có nghĩa là trong vài ngày đầu tiên khi mới bị nhiễm bệnh, họ không thể truyền bệnh cho người khác", Walensky nói. Để ngăn chặn virus ngay tại nơi nó xâm nhập, các chuyên gia đang kiến nghị dùng vaccine dạng xịt qua đường mũi.