Theo thống kê của Đại học John Hopkins, tính đến sáng 14/4, thế giới ghi nhận 1.918.855 ca nhiễm và 119.483 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19; số người bình phục: 443.786.
Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại Mỹ và châu Âu. Cụ thể, Mỹ tiếp tục là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 23.219 ca tử vong; 577.842 ca nhiễm.
Trong 24h qua, số ca tử vong tại bang New York giảm 87 ca so với mức tăng ngày trước đó. Số ca nhập viện tính trung bình trong 3 ngày qua cũng giảm mạnh. Trong 24h qua ghi nhận 1.958 người, mức thấp nhất tính trong thời gian 2 tuần.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 3.268 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 170.099; số ca tử vong là 17.756. Quốc gia này hiện là vùng dịch lớn nhất châu Âu và thứ hai trên thế giới.
Italy đứng thứ hai trên thế giới về số ca tử vong khi ghi nhận thêm 566 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì COVID-19 lên 20.465. Tổng số ca nhiễm tại quốc gia này hiện là 159.516
Tại Pháp, ghi nhận thêm 4.188 ca nhiễm và 574 ca tử vong, nâng tổng số người mắc và tử vong tại quốc gia này lên lần lượt là 136.779 và 14.967.
Tổng thống Pháp Emanuel Macron hôm qua quyết định gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc thêm một tháng để ngăn đại dịch, tới hết ngày 11/5.
Số ca nhiễm tại Đức hiện là 130.072, ghi nhận thêm 2.218 trường hợp. Tổng số người tử vong vì COVID-19 tại quốc gia này hiện là 3.194.
Trong 24h qua, Anh ghi nhận thêm 717 người tử vong, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 11.329. Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều ngày. Số ca nhiễm tại quốc gia này hiện là 88.621.
Tại Đông Nam Á, Philippines trở thành vùng dịch lớn nhất khu vực khi ghi nhận 4.932 ca nhiễm và 315 ca tử vong. Con số này tại Malaysia lần lượt là 4.817 và 77.
Indonesia là quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao thứ hai châu Á, chỉ sau Trung Quốc khi ghi nhận 4.557 ca nhiễm và 399 ca tử vong.