Bình Bình là một cô gái đến từ một thị trấn nhỏ ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Năm nay cô 25 tuổi, sở hữu nước da ngăm đen và dáng người cao ráo với chiều cao 1m72. Sau khi tốt nghiệp đại học, Bình Bình tìm được một công việc ở quê nhà và kết hôn năm 24 tuổi.
Cách đây không lâu, Bình Bình bị trật mắt cá chân khi leo cầu thang nên cô tới bệnh viện địa phương kiểm tra xem có bị chấn thương nặng không. Khi nhìn thấy kết quả chụp X-quang trên tay, bác sĩ chỉnh hình dường như chết lặng.
Mặc dù bong gân không phải là vấn đề lớn nhưng kết quả chụp X-quang cho thấy hai đầu ống xương của Bình Bình chưa khép lại. Điều này có nghĩa là tuổi xương của cô vẫn đang trong giai đoạn dậy thì, tức cô có thể cao hơn nữa.
Với nữ giới, hai đầu ống xương thường khép lại ở độ tuổi từ 14-16, nhưng Bình Bình năm nay đã 25 tuổi. Do đó, điều này khiến bác sĩ cảm thấy thật khó tin. Nghi ngờ về “giới tính thật” của Bình Bình, bác sĩ hỏi cô: “Cô bắt đầu có kinh nguyệt từ năm bao nhiêu tuổi?”.
Đối mặt với câu hỏi của bác sĩ, Bình Bình cúi gằm mặt xuống, lí nhí trả lời: “Tôi chưa bao giờ có kinh nguyệt. Khi còn nhỏ, mẹ từng đưa tôi đi khám. Bác sĩ nói rằng tôi dậy thì muộn, vài năm nữa sẽ có kinh nguyệt. Tôi nghĩ đây là một vấn đề nhạy cảm, tôi rất xấu hổ nên không dám đi khám lại”.
Sau khi nghe xong, bác sĩ đề nghị Bình Bình đi kiểm tra nội tiết ngay lập tức. “Cô bị bong gân và không có gì đáng ngại, nhưng tôi khuyên cô nên đi kiểm tra nội tiết tại một bệnh viện lớn”, bác sĩ nói.
Sau đó, Bình Bình tới Bệnh viện số 1 của Đại học Y Chiết Giang để kiểm tra. Kết quả cho thấy, Bình Bình còn có nhiễm sắc thể 46 XY. Ngoài ra, cô còn không có tử cung, chỉ có bộ phận sinh dục nữ chưa hoàn chỉnh và có tinh hoàn ẩn nằm trong cơ thể. Nói cách khác, về mặt di truyền và sinh học, Bình Bình là nam giới.
Sau khi kiểm tra cẩn thận, Bình Bình được chẩn đoán mắc bệnh bẩm sinh, do bố mẹ cô kết hôn cận huyết thống. Bác sĩ đã khuyên nữ bệnh nhân đi gặp các chuyên gia tâm lý để định hướng cho tương lai, sau khi cô biết sự thật mình là nam giới.