Tawheeda Jan, 21 tuổi, sống tại một ngôi làng hẻo lánh ở Soi-Pathri thuộc bang Kashmir, Ấn Độ. Nếu việc mang giày dép trong mắt người khác là một việc quá đỗi bình thường thì đối với Jan, cô lại chưa bao giờ được hưởng niềm hạnh phúc giản đơn đó. Nguyên nhân là do Jan mắc phải bệnh phù chân voi - một căn bệnh khiến bàn chân sưng phồng tới nỗi cô phải cắt cụt các ngón chân ngay từ khi còn nhỏ.
Bệnh phù chân voi hay còn gọi là bệnh giun chỉ bạch huyết do ấu trùng filarial lan truyền từ người này sang người khác thông qua muỗi đốt. Bệnh khiến các bộ phận của cơ thể như chân, tay hay bộ phận sinh dục bị sưng to quá mức khi ký sinh trùng làm tổ trong hệ thống bạch huyết, gây ảnh hưởng tới sự cân bằng chất dịch trong cơ thể. Các ký sinh trùng làm tổ trong cơ thể khiến các mô dày lên và nghiêm trọng dần theo thời gian.
Sau nhiều năm điều trị, căn bệnh oái oăm vẫn tiếp tục đeo bám Jan, khiến ước mơ nhỏ nhoi của cô là được mang giày dép như bạn bè cùng trang lứa cũng không thể thực hiện. “Tất cả niềm vui của cuộc sống đều bị tước đoạt vì tôi không mang giày. Bất kể mùa đông hay mùa hè, tôi đều đi chân trần vì bàn chân của tôi quá to và không có đôi giày nào vừa vặn với kích cỡ đó“, Jan tâm sự.
Bàn chân “quá khổ” khiến việc đi lại cũng rất khó khăn
Cha của Jan, ông Hamid Wagay, cho biết ngay từ khi sinh ra, con gái ông đã có bàn chân to hơn người bình thường. Vào năm 14 tuổi, Jan được phẫu thuật cắt bỏ các ngón chân để ngăn chặn căn bệnh phát triển nhưng chân cô vẫn phình lên.
“Khi Jan không thể đi lại được, con bé đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật cắt bỏ ngón chân. Tuy nhiên, mặc dù các ngón chân không thể phát triển được nữa nhưng thay vào đó bàn chân con bé lại sưng phồng lên“, ông Hamid nói.
Đến nay, bàn chân của Jan đã dài tới 28 cm, rộng gần 28 cm và được so sánh như một quả bóng đá. “Không giống như 5 đứa con khác của tôi, Jan sinh ra với một bàn chân sưng phồng. Điều đó khiến con bé phải mang lời nguyền không bao giờ được mang giày dép như những đứa trẻ khác“, ông Hamid chia sẻ.
Mặc dù đã lùng sục khắp các chợ lớn nhỏ trong khu vực nhưng gia đình Jan vẫn không thể tìm thấy đôi giày nào có thể vừa với kích thước của chân cô. Ông Hamid nói: “Con bé phải đi chân trần ngay cả khi nhiệt độ xuống ở mức âm. Vào mùa hè, Jan có thể đi lại dễ dàng nhưng vào mùa đông, chân con bé bị nứt toác ra khiến nó chỉ có thể ở trong nhà“.
Các mô dày lên khiến bàn chân của Jan trở nên nặng nề, khó di chuyển. Chính vì điều này mà Jan luôn trở thành đối tượng bị bắt nạt, trêu chọc ở trong trường. Jan liên tục bị người khác sỉ nhục vì có bàn chân voi nên cô thường xuyên nghỉ học.
Căn bệnh phù chân voi có thể loại trừ?
Tính tới nay, có khoảng 120 triệu người trên thế giới mắc phải bệnh phù chân voi. Nếu được chăm sóc y tế đầy đủ, căn bệnh này hoàn toàn có thể ngăn chặn và điều trị được.
Một người đàn ông Ấn Độ tên Saidalavi, 46 tuổi, cũng từng phẫu thuật loại bỏ 13,6 kg khối lượng ở chân vào hồi năm nay tại Viện Khoa học Y khoa Amrita ở Kochi, Ấn Độ. Theo đó, Saidalavi mắc bệnh phù chân voi sau một lần bị muỗi cắn khi còn nhỏ.
Căn bệnh khiến anh phải nằm liệt giường trong suốt 2 năm. Tuy nhiên, sau khi được các bác sĩ can thiệp loại bỏ khối u, một tháng sau phẫu thuật, Saidalavi đã có thể đi lại bình thường. Mặc dù vậy, các bác sĩ nói anh cần phải thực hiện một cuộc phẫu thuật khác vào cuối năm nay để loại trừ căn bệnh hoàn toàn.