Một sự cố nghiêm trọng vừa xảy ra tại một khu chung cư ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, khi một người phụ nữ để quên nồi áp suất ninh xương trên bếp và ra khỏi nhà. Khi về, cô phát hiện nồi đã biến dạng và may mắn không xảy ra vụ nổ nào. Vụ việc là lời cảnh báo nghiêm trọng về việc sử dụng thiết bị gia dụng an toàn.
Sự việc xảy ra vào khoảng 10 giờ sáng ngày 25/9. Người dân trong khu chung cư phát hiện một mùi khét lạ bốc lên từ căn hộ của chị Lý. Người hàng xóm tên Lâm kể lại: “Lúc đó tôi đang ăn thì ngửi thấy mùi cháy. Khi đi theo mùi thì phát hiện khói bốc ra từ căn hộ của chị Lý. Tôi gõ cửa nhiều lần nhưng không ai ra mở, nên liền báo cảnh sát và gọi ban quản lý tòa nhà".
Ngay khi nhận được tin báo, nhân viên quản lý đã nhanh chóng khóa van gas và liên lạc với lực lượng cứu hỏa. Lực lượng cứu hỏa nhanh chóng có mặt, cùng lúc đó, ban quản lý cũng liên hệ được với chị Lý - chủ căn hộ. Khi trở về, chị Lý mới nhớ ra rằng mình đã để nồi áp suất ninh xương trên bếp suốt 2 giờ mà không tắt bếp.
Theo lực lượng cứu hỏa, chiếc nồi áp suất đã quá tải khi áp suất bên trong tăng vọt. Phần nắp nồi bị biến dạng do không chịu nổi áp lực, vòng đệm cao su cũng bị cháy đen. Xương trong nồi đã cháy thành than, các mảnh vụn cháy bắn ra xung quanh. Rất may, sự cố được phát hiện và xử lý kịp thời, tránh được nguy cơ nổ nồi gây hỏa hoạn.
Chị Lý thừa nhận rằng do quá vội vàng khi ra ngoài nên quên mất việc ninh xương. "Nếu không có hàng xóm và ban quản lý phát hiện kịp thời, thì có lẽ cả căn bếp đã cháy nổ", chị nói đầy hối hận.
Lưu ý khi sử dụng nồi áp suất:
Nồi áp suất, dù là một thiết bị quen thuộc trong nhà bếp, vẫn có thể trở thành nguồn nguy hiểm nếu không được sử dụng đúng cách. Dưới đây là một số hướng dẫn an toàn:
Không đổ đầy thức ăn quá mức: Đảm bảo không đổ quá 2/3 dung tích nồi để tránh tình trạng áp suất tăng cao gây nổ. Lý tưởng nhất là chỉ nên đổ thức ăn chiếm khoảng một nửa dung tích nồi.
Kiểm tra lỗ thông hơi: Trước khi đậy nắp, cần kiểm tra kỹ lỗ thông hơi để đảm bảo không bị tắc. Nếu không, không khí bên trong nồi sẽ không thể thoát ra, có nguy cơ gây tai nạn.
Tránh nấu các món dễ sinh bọt: Những món như đậu, cháo, sườn hay súp rong biển thường sinh nhiều bọt, có thể gây tắc lỗ thông hơi và van thoát áp, làm tăng nguy cơ nổ.
Luôn giám sát khi nấu: Không được bỏ nồi áp suất trên bếp mà không giám sát, như trong vụ việc của chị Lý. Đặc biệt, tránh để trẻ em hoặc người lớn tuổi sử dụng nồi mà không có sự giám sát.
Không mở nắp ngay sau khi nấu: Sau khi thực phẩm chín, cần xả hết hơi qua van áp suất trước khi mở nắp để tránh bị bỏng do hơi nóng.
Tránh sử dụng nồi áp suất với thực phẩm có tính axit mạnh: Không nên nấu các món ăn chứa axit, kiềm, hoặc muối quá nhiều, vì chúng có thể ăn mòn nồi và gây nguy hiểm.
Bảo dưỡng nồi áp suất thường xuyên: Sau khi sử dụng, nồi cần được rửa sạch và lau khô. Vòng đệm cao su cũng cần được làm sạch để tránh hư hỏng.
Thay nồi đúng hạn: Nên thay thế nồi áp suất sau 8 năm sử dụng, ngay cả khi nồi vẫn còn trông tốt, để tránh các sự cố không lường trước.