Cách đây 2 năm, thủ đô Jakarta của Indonesia lọt vào top những thành phố có tốc độ “chìm” nhanh nhất thế giới với con số gây giật mình: 20 cm/năm. Điều đó có nghĩa là nếu không hành động ngay, 30 năm sau thủ đô rộng lớn này có thể sẽ chỉ còn là một vùng đất nhấp nhô giữa biển, trong đó lời cảnh báo nhãn tiền nhất là cơn bão khủng khiếp năm 2007 đã khiến hơn 500.000 người mất nhà cửa.
Giai đoạn 2005-2007, Indonesia đã có 24 hòn đảo chìm dưới mực biển. Vì thế, các chuyên viên phụ trách biến đổi khí hậu nhấn mạnh nếu chính quyền Jakarta chậm hành động đến cột mốc là năm 2030, “quốc gia vạn đảo” này sẽ mất 40% diện tích. Đến 2050 khoảng 1.500 hòn đảo tại nước này có nguy cơ bị chìm.
Cận cảnh dự án thế kỷ nhằm tránh tình trạng chìm dần của Indonesia.
Để ngăn ngừa những viễn cảnh tồi tệ này, chính phủ Indonesia đã mạnh tay chi ra 40 tỷ USD (con số có thể tăng thêm nếu cần) để xây dựng bức tường chắn sóng khổng lồ dài 24 km và 17 hòn đảo nhân tạo giúp Jakarta thoát khỏi nguy cơ bị nhấn chìm do lụt lội và mực nước biển dâng cao, đồng thời xây dựng một hồ chứa lũ giữa các hòn đảo này để ngăn chặn tình trạng lụt lội. Chính quyền đã nỗ lực nạo vét hệ thống kênh đào trong nhiều năm, và tường chắn sóng dài 24 km được coi là biện pháp quan trọng trong công cuộc phòng chống ngập lụt cho thành phố.
Để tạo nên cuộc cách mạng này, chính phủ Indonesia đã ký hợp tác với các chuyên gia hàng đầu Hà Lan trong hơn 30 năm, từ ngày khởi công cho đến khi hoàn thiện hệ thống tường chắn sóng này. Hà Lan cũng là một quốc gia chịu nguy cơ bị nước biển nhấn chìm, nhưng từ những năm 50 của thế kỉ trước, quốc gia châu Âu này đã lên kế hoạch xây dựng dự án đồ sộ bao gồm một loạt công trình chống ngập lụt sau trận lụt lịch sử từ Biển Bắc tràn vào làm ngập 9% diện tích đất nông nghiệp ở Hà Lan và cướp đi mạng sống của 8.361 người.
Theo đó 13 con đê với chiều dài 16.496 km kèm theo khoảng 300 rào chắn sóng, kênh thoát nước, cửa cống, kè ngăn nước và đất bồi được xây dựng với chi phí 5 tỷ USD. Không chỉ chống lụt hiệu quả, công trình này còn cung cấp nước ngọt cho nhu cầu sinh hoạt và tưới tiêu của người dân và được Hiệp hội Kỹ sư Dân dụng Mỹ công nhận là một trong 7 kỳ quan thế giới hiện đại. Với bề dày kinh nghiệm trong việc xây dựng công trình chống lũ, úng ngập, Hà Lan được tin tưởng sẽ tạo nên diện mạo mới cho Indonesia.
Tuy nhiên, tốc độ dự án này cho đến nay vẫn còn rất chậm chạp do nhiều người lo ngại về an toàn đối với nhà máy điện lân cận. Nurbaya Bakar, Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp đã đình chỉ dự án vào tháng 4 năm nay nhấn mạnh rằng nhà thầu có thể tiếp tục công trình trong vòng vài tuần nếu họ đáp ứng những điều kiện an toàn cho nhà máy điện của chính phủ. Phía nhà thầu cho biết công ty họ đã tìm ra giải pháp cho nhà máy thủy điện Muara Karang. Theo đó, công ty sẽ xây dựng một kênh đào để ngăn luồng nước mát chảy từ ngoài biển vào và nước nóng chảy từ nhà máy ra hòa lẫn vào nhau. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn còn đang phải chờ sự quyết định từ các cấp lãnh đạo.