Kể từ ngày 25/6, ít nhất 486 ca tử vong đột ngột đã được ghi nhận ở British Columbia (Canada) khi nhiệt độ tăng lên gần 50 độ C. Đợt nắng nóng đang diễn ra tại Mỹ làm xô lệch các đường cao tốc và nung chảy đường dây điện.
Vòm nhiệt, hiện tượng bầu khí quyển giữ lại không khí nóng, đã lan tràn khắp Nuwaiseeb (Kuwait), Vancouver (Canada) , Portland (Mỹ), Jacobabad (Pakistan), Delhi (Ấn Độ), Omidiyeh (Iran) và một số nơi khác ở Trung Đông.
Ngày 1/7, Delhi phải hứng chịu một đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất lên đến 43,1 độ C, mức kỷ lục trong tháng 7 kể từ năm 2012 tới nay.
Jacobabad, thuộc tỉnh Sindh của Pakistan, chạm mốc nhiệt độ chết người là 52 độ C vào ngày 1/7. Ngày 29/6, thị trấn Lytton gần Vancouver (Canada) nóng đến 49,6 độ C, buộc các trường học và cơ sở tiêm chủng ở British Columbia phải đóng cửa. Ở bang Oregon nước Mỹ, thành phố Portland đạt mức nhiệt cao nhất mọi thời đại là 46,6 độ C, vượt xa kỷ lục 41,6 độ C năm 1965.
Ngày 22/6, thành phố Nuwaiseeb của Kuwait đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất toàn thế giới: 53,2 độ C. Nước láng giềng Iraq cũng nóng không kém khi chạm mốc 51,6 độ C vào ngày 1/7. Omidiyeh (Iran) theo sát phía sau với nhiệt độ tối đa 51 độ C.
Một số quốc gia khác ở Trung Đông, bao gồm UAE, Oman và Arab Saudi đã ghi nhận nhiệt độ vượt quá 50 độ C trong tháng 6. Vịnh Ba Tư có khí hậu nóng ẩm và thường xuyên nóng hơn 40 độ C suốt mùa hè.
Ít nhất 23 quốc gia đã ghi nhận nhiệt độ từ 50 độ C trở lên. Hiện tại, nhiệt độ cao nhất được biết đến là 56,7 độ C ở Thung lũng Chết của California vào năm 1913. Nhiệt độ nóng nhất ở châu Phi là 55 độ C ở Kebili, Tunisia vào năm 1931.
Iran là nước nóng nhất châu Á với kỷ lục 54 độ C năm 2017. Vào năm 2020, đảo Seymour ở Nam Cực đã ghi nhận nhiệt độ tối đa là 20,7 độ C. Theo Tổ chức khí tượng thế giới (WMO), nhiệt độ trên Bán đảo Nam Cực đã tăng gần 3 độ C trong 50 năm qua.
Một báo cáo do Viện Nghiên cứu Không gian Goddard của NASA (GISS) công bố cho thấy Trái đất đang ấm lên. "7 năm qua là 7 năm ấm nhất được ghi nhận, tiêu biểu cho xu hướng ấm lên đang diễn ra mạnh mẽ", Giám đốcGISSGavin Schmidt cho biết. "Với xu hướng dài hạn này, khi tác động của con người đối với khí hậu tăng lên, chúng ta phải hiểu rằng các kỷ lục sẽ còn tiếp tục bị phá vỡ".