Vụ việc xảy ra chớp nhoáng và sớm bị dập tắt nhưng đã gây ra luồng chấn động lớn với dư luận nước này và thế giới. Đại bộ phân dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ lên án hành vi bạo lực chính trị này và đều ủng hộ chính quyền của Tổng thống Erdogan bằng việc tham gia biểu tình rầm rộ đêm qua.
Những cái tên liên quan đến cuộc đảo chính
Hãng thông tấn Andadolu dẫn nguồn tin quân sự giấu tên cho biết, lãnh đạo chủ chốt trong cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ là cựu cố vấn pháp lý, Đại tá Muharrem Kose, đã bị bắn hạ đêm qua bởi lực lượng quân đội của chính quyền nước này. Đại tá Kosse mới bị sa thải hồi tháng 3 với cáo buộc cấu kết với phần tử của phong trào của Giáo sĩ Fethullah Gullen chống chính phủ.
Ngày 15/7, cựu đại tá Kose sớm tuyên bố sẽ thành lập “Hội đồng hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ” với mục tiêu nhằm khôi phục nền dân chủ và nhân quyền sau đảo chính.
Ngoài Kose còn có một số sĩ quan tham gia đảo chính như đại tá Mehmet Oguz Akkus, đại tá Erkan Agin và thiếu tá Doğan Uysal, song tin này chưa được xác nhận rộng rãi.
Trong các bài phát biểu của mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn liên tục nhắc đến giáo sĩ lưu vong Fethullah Gullen, người sáng lập tổ chức phong trào Gullen chống chính phủ và cho rằng đây là người đứng sau kích động cuộc đảo chính Quân sự diễn ra hôm qua.
Giữa chính phủ của Tổng thống Erdgan và tổ chức Gullen vốn có những mối hiềm khích gay gắt trong quan hệ lợi ích quyền lực chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bản thân Fethullah Gullen và nhiều thành viên Gullen đã bị ép buộc sống lưu vong tại nước ngoài cũng do những mâu thuẫn này. Đặc biệt, căng thẳng leo thang những năm gần đây do chính phủ Tổng thống Erdgan cáo buộc tham nhũng và kết án một loạt các thành viên của Gullen cao cấp vốn nằm trong lực lượng cảnh sát, tư pháp và truyền thông nướcnày vào năm 2013.
Có vũ trang và yếu tố bất ngờ nhưng thất bại là kịch bản được dự báo sớm
Theo giới phân tích, thất bại của cuộc đảo chính là điều đã được dự đoán trước. Nguyên nhân bởi lực lượng đảo chính là một đội quân ô hợp, bao gồm một nhóm sĩ quan binh sĩ theo phong trào Gullen chưa thực sự có tính gắn kết chặt chẽ và không nhận được sự đồng tình của người dân nước này.
Ban đầu, lực lượng đảo chính hôm qua tại Thổ Nhĩ Kỳ có một ưu thế lớn là sự vũ trang và yếu tố bất ngờ. Họ ra quân đúng thời điểm Tổng thống Erdogan đang đi nghỉ mát, bao vây, chiếm giữ các địa điểm chiến lược ở thủ đô và thành phố Istanbul lúc gần nửa đêm, đây là khoảng thời gian các lực lượng an ninh ít phòng bị nhất.
Nhiều chuyên gia cho rằng tốc độ triển khai lực lượng, tấn công các địa điểm mục tiêu, then chốt là khá nhanh nhưng lực lượng đảo chính lại thiếu đi những yếu tố đóng vai trò quyết định cho thành bại của một cuộc đảo chính.
Yếu tố thứ nhất là động cơ của cuộc đảo chính. Từ năm 2013, chính quyền của ông Erdogan đã bắt đầu chiến dịch thanh lọc những người ủng hộ phong trào Gullen và gây nên sự bất mãn gay gắt trong những người thuộc tổ chức này. Do đó, nhiều người cho rằng động cơ của cuộc đảo chính này có thể bắt nguồn từ những mâu thuẫn giữa những người theo Tổ chức Gullen và chính quyền tổng thống Erdogan. Rõ ràng, chỉ dựa trên những mâu thuẫn của một số người hay một nhóm để hòng thay đổi bộ máy chính trị một nước thì chưa phải là một điều hợp lý. Cũng chính vì vậy, nó sẽ dẫn đến sự chuẩn bị lực lượng để đảo chính một cách “có hệ thống” là chưa thực sự vững vàng.
Yếu tố thứ hai là, sau một lịch sử rất dài các cuộc đảo chính quân sự diễn ra tại Thổ Nhỉ Kỳ, hiện nay người dân nước này đã quá mệt mỏi với các bạo động quân sự và vũ trang. Do đó, ngay khi cuộc đảo chính bắt đầu, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Erdogan, hàng ngàn người dân nước này đã xuống đường biểu tình chống lại hành vi bạo lực chính trị này.
Yếu tố thứ ba đó là sự đoàn kết trong lực lượng đảo chính. Cuộc đảo chính đêm qua được cho là được thực hiện bởi các tướng lĩnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, các chỉ huy dẫn dắt cuộc đảo chính này hầu hết chỉ là những người ủng hộ phong trào Gullen và có ảnh hưởng nhất định hoặc hạn chế trong quân đội. Còn lại đại bộ phận tướng lĩnh cấp cao, những người có ảnh hưởng nhất thì đều ủng hộ chính quyền của ông Erdogan, do đó lực lượng này chưa đủ lực và ảnh hưởng để làm nên sự thay đổi vận mệnh lịch sử của nước này.
Kết lại, rõ ràng cuộc đảo chính đêm qua tại Thổ Nhĩ Kỳ dù đã gây ra những xáo trộn nhất định đối với đất nước này và thu hút sự chú ý của dư luận trên toàn thế giới, nhưng rốt cuộc chỉ là một sản phẩm của sự “chia rẽ” nội bộ quân đội nước này. Và rõ ràng việc lợi dụng sự chia rẽ này sẽ không thể dẫn đến thành công trong việc thay đổi vận mệnh một quốc gia trong đó.