Khoảng vài thập niên trở lại đây, các đại gia mới nổi của châu Á rộ lên như nấm sau mưa và bắt đầu chứng tỏ sự giàu có của mình không hề kém cạnh các tỷ phú “thâm niên” của châu Âu hay châu Mỹ. Sự khác biệt về “văn hóa vung tiền” giữa giới nhà giàu phương Đông và phương Tây từ đó cũng trở thành một đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận và tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông toàn cầu.
Tỷ phú phương Tây tích cực làm từ thiện, giúp đỡ cộng đồng
Các tỷ phú giàu có bậc nhất thế giới đa phần đều xuất thân từ những nước phát triển tại châu Âu và Bắc Mỹ. Những cái tên không còn xa lạ, thậm chí có khi còn xuất hiện như một định nghĩa về “tỷ phú”, phải kể đến như Warren Buffett, Bill Gates, Michael Bloomberg, Larry Page, Tim Cook, Mark Zuckerberg…
Không chỉ là những người có ảnh hưởng sâu rộng đến sự hùng mạnh của thế giới ở thì hiện tại, họ còn là những tấm gương đi đầu trong các hoạt động thiện nguyện khi thường xuyên đóng góp tài sản cho các quỹ từ thiện vì sự phát triển tốt đẹp hơn của cộng đồng trong tương lai.
Từ năm 2010, Warren Buffett cùng vợ chồng Bill Gates đã khởi xướng chiến dịch mang tên “The Giving Pledge” nhằm khuyến khích các “đồng nghiệp” tỷ phú quyên tặng ít nhất một nửa tài sản của mình cho các hoạt động từ thiện.
Tỷ phú Warren Buffett gây chấn động thế giới khi tuyên bố dành 99% giá trị tài sản của mình để làm từ thiện. Còn “ông trùm công nghệ” một thời Bill Gates cũng không thua kém khi dành khoảng 37 tỷ USD cho các hoạt động thiện nguyện thông qua quỹ Bill & Melinda Gates.
Quỹ từ thiện của Bill Gates đã góp sức vào nhiều dự án mang ý nghĩa to lớn đối với thế giới như chữa bệnh, cứu trợ thực phẩm… cho người nghèo tại các quốc gia châu Phi và châu Á. Thậm chí, ông còn sẵn sàng chi tới 21 triệu USD để mua một chiếc máy bay riêng hỗ trợ cho các chuyến từ thiện tại các khu vực xa xôi.
Gần đây nhất, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đã noi gương các tỷ phú đàn anh khi cam kết quyên góp 99% số cổ phần Facebook - tương đương 45 tỷ USD cho các hoạt động vì mầm non tương lai của thế giới thông qua tổ chức từ thiện mang tên “Sáng kiến Chan Zuckerberg”.
Nhà giàu Châu Á “chi mạnh - chơi sang” cho bản thân và gia đình
Trong khi các đại gia phương Tây rất tích cực “xóa đói, giảm nghèo” cho các quốc gia kém phát triển, bao gồm không ít các nước ở châu Á thì giới nhà giàu ở châu lục còn nhiều khó khăn này lại có xu hướng thích tiêu tiền cho bản thân và gia đình của mình hơn là đóng góp cho cộng đồng.
Các đại gia lừng lẫy ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, Trung Quốc và Singapore vốn nổi tiếng với việc “ném tiền qua cửa sổ” cho những món chi tiêu xa xỉ như đồ cổ, siêu xe, bất động sản, du thuyền… nhằm mục đích khuếch trương hình ảnh và danh tiếng của họ trước mọi người.
Điển hình như tỷ phú giàu nhất Châu Á Vương Kiện Lâm từng vung 28,2 triệu USD để mua một bức tranh của danh họa Picasso hay mua đứt một công ty của Anh chuyên sản xuất những chiếc du thuyền sang trọng trong các bộ phim Điệp viên 007.
Hay cách đây không lâu, triệu phú Ấn Độ Yogesh Mehta, một trong những nhà phân phối hóa dầu tư nhân lớn nhất khu vực Trung Đông đã tổ chức đám cưới 500 tỷ đồng cho con trai duy nhất tại thành phố Florence (Ý) trong 3 ngày 3 đêm.
Nhiều đại gia Việt gần đây cũng không nằm ngoài trào lưu mạnh tay chi tiền tổ chức đám cưới “siêu sang” cho con cái như một cách khoa trương gia thế. Lần lượt các đám cưới bạc tỷ của các cậu ấm nhà đại gia “Thanh sắt” tại Hà Nội hay “quái kiệt vùng than” Đỗ Thành Trung tại Quảng Ninh… đã khiến dư luận choáng ngợp vì độ “sang chảnh” đến khó tin.
Bên cạnh đó không thể không kể đến phong trào đua nhau xây biệt thự hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ của các đại gia Việt từ Bắc chí Nam. Thói tiêu tiền ngày càng trọng hình thức của giới nhà giàu trong nước trở thành một đề tài thường xuyên bị dư luận đem ra dèm pha, chỉ trích.
Một vài so sánh và những ví dụ thực tế kể trên có lẽ đã phần nào vẽ nên bức tranh đa sắc màu về cuộc sống và cách hành xử với đồng tiền của các đại gia thế giới. Kiếm được nhiều tiền chưa bao giờ đơn giản và tiêu tiền ra sao cho đúng cũng là một “nghệ thuật”.
Những tỷ phú Âu Mỹ vẫn có thể sống trong những biệt thự hay sở hữu những bộ sưu tập nghệ thuật giá trị triệu đô. Nhưng đồng thời họ vẫn nhận thức được sự quan trọng và cần thiết của việc sử dụng “đồng tiền xương máu” của mình vào những mục đích ý nghĩa và có ích cho chính thế giới mà họ đang sống.
Bước tiến về ý thức hệ khá xa này giữa giới nhà giàu phương Tây và phương Đông, trong đó có cả Việt Nam là một vấn đề đáng để chúng ta phải suy ngẫm.