Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Đại dịch quay lén ở Hàn Quốc: 'Án tử' của những nạn nhân nữ

Những phụ nữ - nạn nhân của phần lớn trường hợp bị quay lén - chỉ muốn tìm tới cái chết hoặc không dám ra khỏi nhà bởi sợ người khác nhận ra.

Đặt video quay lén tại các nơi công cộng được coi là đại dịch chưa có thuốc chữa tại Hàn Quốc. Ảnh: BBC

Cảnh sát Hàn Quốc mới đây bắt giữ 4 tên tội phạm vì cáo buộc quay lén hơn 1.600 hành khách tại các khách sạn sau đó bán chúng qua những trang web k.hiêu dâm. Các nghi phạm đã lắp các máy quay mini vào TV, giá treo máy sấy tóc và đui đèn trong các phòng khách sạn, bắt đầu từ tháng 8 năm ngoái, tại 30 khách sạn lớn nhỏ trên khắp Hàn Quốc và thu 6.200 đô la Mỹ (hơn 140 triệu VND) từ hành vi biến thái này.

Nạn quay lén và chụp ảnh khỏa thân từ lâu đã trở thành một vấn nạn nhức nhối tại xứ sở kim chi mặc cho pháp luật nước này đã nghiêm cấm tất cả các hành vi sản xuất, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Kể từ năm 2011, số vụ quay chụp bất hợp pháp ở Hàn Quốc tăng vọt từ 1.300 mỗi năm lên hơn 6.000 vụ vào năm 2017 với nạn nhân chủ yếu là phụ nữ.

Số vụ kiện liên quan tới hành vi quay lén đã tăng vọt lên gần 6.500 vụ trong năm 2017, từ khoảng 2.400 vào năm 2012, theo hãng tin Yonhap.

“Án tử” đối với nạn nhân

Những kẻ quay lén thường dùng các thiết bị nhỏ có thể dễ dàng quay phim phụ nữ ở những nơi công cộng, chẳng hạn như nhà vệ sinh hoặc phòng thay đồ, và sau đó bán đoạn phim này cho các trang web khiêu dâ.m để kiếm lợi nhuận. Những đoạn phim có cảnh phụ nữ cởi đồ hoặc “quan hệ” có thể được bán với giá lên tới 100.000 won (90 USD) và kẻ kiếm tiền từ hành vi biến thái này có thể thu về hơn 100 triệu won mỗi tháng, theo Reuters.

Dùng thiết bị dò camera quay lén là một phần trong công việc của những nhân viên dọn nhà vệ sinh công cộng. Ảnh: Yonhap

Đại dịch quay lén với các cảnh quay nhạy cảm bị chia sẻ trên mạng xã hội được coi là “án tử” của hàng nghìn phụ nữ khi họ phải đối mặt với mác là “kẻ k.hiêu dâm”. Những hình ảnh này có thể bị bạn trai của nạn nhân lén lút chụp lại từ các thiết bị gắn trên đồ vật như chìa khóa xe hơi. Dùng thiết bị dò camera quay lén giờ đây là một phần trong công việc của những nhân viên dọn nhà vệ sinh công cộng.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, có những video quay tại khách sạn tình yêu hay nhà nghỉ sau đó được gã đàn ông dùng như một hình thức trả thù bạn gái nếu mối quan hệ của cặp đôi rạn vỡ. Nạn nhân của trò này sẽ bị trầm cảm bởi những video ấy còn tồn tại mãi trên Internet. “Đó là một án tử“, Cha Ryu Hye-jin từ Học viện Nữ quyền Hàn Quốc, người giám sát tổ công tác đặc biệt để giúp đỡ nạn nhân và tăng cường kiểm tra ở những nơi công cộng, cho hay.

Từ tháng 4/2018, tổ 16 người của bà Cha đã ra mắt dịch vụ miễn phí để giúp nạn nhân loại bỏ các cảnh quay bất hợp pháp khỏi các trang web. Sau 6 tháng, họ đã xử lý khoảng 15.000 yêu cầu và tư vấn cho hơn 3.000 nạn nhân.

Chính quyền thành phố Seoul bố trí thêm nhân viên để kiểm tra hàng ngày các nhà vệ sinh công cộng, sau khi các thanh tra chính quyền không phát hiện ra bất kỳ camera ẩn nào.

Các nạn nhân còn tìm đến các công ty tư nhân có tính phí để loại bỏ các video trên mạng. Dịch vụ được gọi là “tẩy rửa kỹ thuật số” này đang dần trở thành một ngành công nghiệp mới. “Các khách hàng thường nói 'tôi muốn chết' hoặc 'tôi không dám rời nhà'. Họ lo lắng rằng nếu ra đường, họ sẽ bị nhận ra”, Lee Ji-soo, nhân viên một công ty làm dịch vụ này ở Gangnam, cho biết.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho rằng dịch vụ “tẩy rửa kỹ thuật số” không thể giải quyết gốc rễ vấn đề. Điều quan trọng là giáo dục mọi người về bình đẳng giới và nhận thức về tội phạm tình dục.

Nhà vận động Park Soo-yeon cho biết nhiều nạn nhân thậm chí không biết họ là chủ đề của những video quay lén và nhiều trường hợp không dám lên tiếng nếu phát hiện ra bởi sợ xã hội kỳ thị. “Họ là những người đang cố gắng che giấu bản thân nhiều nhất có thể“, Park, người luôn mang theo máy dò camera ẩn, chia sẻ tại văn phòng của cô ở ngoại ô Seoul.

Theo Park, thảo luận về quyền của phụ nữ đôi khi vẫn được coi là điều cấm kỵ trong một xã hội vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ như tại Hàn Quốc. “Điều quan trọng là phụ nữ cần lên tiếng về vấn đề này để mọi người nhận thức những đau đớn họ hứng chịu”, Park nói.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Bích Kiên

Được quan tâm

Tin mới nhất