Năm 1989, Masafumi Nagasaki đã đến hòn đảo Sotobanari thuộc phía tây nam tỉnh Okinawa và sống ở đây kể từ đó đến giờ Trong suốt hơn 30 năm qua, ông Masafumi Nagasaki đã sống trong điều kiện không có nước sạch, bật lửa, điện thoại hay quần áo và phải chịu đựng những sự khắc nghiệt từ thiên nhiên như bão lũ, muỗi cắn.
Ông Masafumi Nagasaki sau 30 năm sống trên hòn đảo Satobanari, mới đây đã bị chính quyền Nhật Bản yêu cầu phải rời đi và không được phép quay lại.
Từ chàng nhiếp ảnh gia thành thị lên đường tìm nơi trú ẩn cho riêng mình…
Trước đây ông Masafumi là một nhiếp ảnh gia, làm chủ một câu lạc bộ của riêng mình tại thành phố cảng Niigata, thuộc Honshu, hòn đảo chính của Nhật Bản.
Ông có kể với Alvaro - một người tổ chức tour du lịch cá nhân cho khách đến với những hòn đảo hoang dã như Satobanari - rằng hồi ấy ông là một chàng trai thành phố sống rất khép kín, ít khi đi ra ngoài. Cảm thấy mệt mỏi với sự ô nhiễm môi trường ở thành phố, ông đã quyết định sẽ lên đường và tìm một nơi trú ẩn cho riêng mình.
Trước đó, một đồng nghiệp trong nhà máy tại Osaka kể với ông về một quần đảo hoang dã bí ẩn, và kể từ đó ông đã mơ ước được đến đó, trốn khỏi cuộc sống văn minh hàng ngày.
Ban đầu, ông chỉ có ý định ở đây khoảng hai năm, nhưng rồi đã 3 thập kỷ trôi qua.
… tới “ẩn sĩ khỏa thân”
Theo dân cư địa phương, Sotobanari là một trong số ít các đảo bị bỏ hoang ở Nhật Bản, nơi mà ngay cả các ngư dân cũng hiếm khi dừng chân.
Đến 2012, khi thọ 76 tuổi, mọi người gọi ông Masafumi là “ẩn sĩ khỏa thân” sau khi ông có chia sẻ với tờ Reuters về ước nguyện duy nhất của mình là được sống ở hòn đảo mà ông gọi là nhà đến cuối đời.
Nhưng vào tháng 4 vừa rồi, chính quyền Nhật Bản đã yêu cầu ông Masafumi Nagasaki rời khỏi hòn đảo hoang về với cuộc sống bình thường và không được phép quay lại.
Theo tờ News.com.au, hiện nay ông đang phải sống trong một căn nhà của chính phủ tại thành phố Ishigaki, cách hòn đảo Sotobanari 60 km. Nhưng theo tình hình hiện tại, do không quen với điều kiện thời tiết, ông Masafumi cảm thấy không được khỏe và có thể sẽ bị cúm.
Trước đó, ông từng tâm sự với Alvaro rằng, ông sẽ bảo vệ hòn đảo bằng cả mạng sống của mình và chắc ông sẽ không thể nào tìm thấy được một “thiên đường” như thế này ở đâu khác nữa.
Ông nói: “Ở đây tôi chẳng bao giờ thấy buồn cả, nếu có thì tôi đã chẳng sống được đến ngày hôm nay. Dù cho thế giới có xảy ra chuyện gì, tôi cũng sẽ không bỏ đi đâu”, Masafumi nói. “Tôi có mọi thứ mình cần khi ở đây và không cần thêm gì khác nữa”.
Ông Masafumi cũng đã nhắn nhủ với gia đình rằng, ông mong sẽ được chết ở đây, trong một trận bão mà “không làm phiền đến ai cả”.
Năm 2012, ông chia sẻ với Reuters: “Tìm nơi để chết là một việc vô cùng quan trọng trong cuộc đời, và tôi đã quyết định hòn đảo này chính là nơi tôi muốn”.
“Trước đây, tôi cũng không cảm thấy vậy đâu, dù có qua đời ở trong bệnh viện hay ở nhà với người thân bên cạnh thì cũng được. Nhưng nếu được chết ở đây, được bao bọc bởi thiên nhiên cây cối thì còn gì tuyệt vời hơn, đúng không?”.
Cuộc sống lành mạnh trên đảo hoang
Ông tuân theo những quy định của tự nhiên và cảm thấy “không ai trên hòn đảo này khiến tôi cảm thấy tự ti về bản thân mình”.
Những hoạt động hàng ngày của ông diễn ra khá quy củ: tập gym vào buổi sáng rồi dọn dẹp bờ biển vào buổi chiều với một đôi găng tay trắng và một cái cào.
Sau khi bị một cơn bão cuốn đi hết tất cả đồ đạc, ông đã không có quần áo để mặc và tự cảm thấy rằng quần áo thật sự không phù hợp với điều kiện ở trên đảo này, nên đã quyết định “khỏa thân”.
“Khỏa thân rồi đi lại xung quanh thân thì không đúng với chuẩn mực xã hội thông thường, nhưng ở trên đảo này thì ai cũng vậy mà, vậy nên nó có thể được coi như là đồng phục”.
Dù thiếu thốn về nguồn thức ăn, nhưng ông Masafumi cũng không ăn cá, thịt hay dù cả những quả trứng rùa được bỏ lại rất nhiều trên cát.
“Mỗi lần thấy những chú rùa con được sinh ra rồi bò về biển, tôi lại nổi da gà và thấy cuộc sống này thật kỳ diệu biết bao”, ông nói. “Chính thiên nhiên đã cho tôi nhiều cảm xúc và thực sự thay đổi con người tôi. Tôi không biết điều đó là tốt hay xấu, nhưng tôi rất hài lòng với hiện tại”.