Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Cuộc sống đọa đầy của người phụ nữ là nô lệ tình dục nơi xa lạ suốt hơn 20 năm

Trốn chạy quê hương với mong muốn thoát khỏi bị lạm dụng thể xác, nhưng nghịch cảnh không buông tha người phụ nữ khi cô phải tiếp tục sống trong chuỗi ngày dài là "nô lệ tình dục" ở đất nước xa lạ.

Ở tuổi 37, Grace chưa bao giờ quan hệ tình dục với người khác dựa trên đồng thuận của cả hai. “Tôi không phải là người duy nhất. Nhiều phụ nữ khác cũng giống tôi”, cô nói và cúi đầu nhìn xuống bàn.

Grace chỉ vào bức tường ngăn cách căn phòng nơi đang ngồi và phòng kế bên với những người bạn ở đó. “Chúng tôi là những phụ nữ nghèo và dễ bị tấn công nhất tại Anh”. Đối với Grace, nghèo đói và bị lợi dụng đi kèm với nhau - điều đã xảy ra trong suốt cuộc đời cô.

Grace đến London (Anh) vào năm 17 tuổi, trở lại đây vào năm 1998. Cô chỉ nói mình sinh ra ở Tây Phi, nhưng không muốn tiết lộ quê hương bởi lo ngại điều đó sẽ gây nguy hiểm cho những người thân yêu, theo BBC.

Khởi nguồn bi kịch

Tôi đến từ một gia đình rất nghèo”, Grace nói.

Vì nghèo nên năm 15 tuổi, Grace và chị gái 17 tuổi phải kết hôn với một người đàn ông già hơn cha của họ để đổi lấy của hồi môn. Họ chuyển tới sống tại một ngôi nhà rộng rãi ở thủ đô cùng 5 người vợ khác.

Lần đầu tiên trong đời, hai chị em Grace không phải lo về bữa ăn tiếp theo. Nhưng đó là điều duy nhất họ khiến họ không lo lắng.

“Đó chẳng phải một cuộc sống tốt đẹp. Tôi đã phải chịu đựng rất nhiều điều”, cô nói. Grace và chị gái bị chồng lạm dụng thể xác, tình dục và chửi bới thậm tệ. Hai chị em cũng bị ép phải tham gia các nghi thức mê tín, gồm uống máu động vật, bởi chồng họ tin chúng sẽ giúp sự nghiệp chính trị của ông ta thăng tiến.

Grace không thể nào quên quá khứ nghèo đói và tủi nhục khi cô và chị gái phải làm vợ một gã đàn ông. Ảnh: BBC

Grace và chị gái phải nương tựa vào nhau và sợ rằng nếu kể sự thật, người thân của họ sẽ gặp nguy hiểm. “Chồng chúng tôi là một gã đàn ông có uy quyền”, Grace nói.

Sau hai năm sống trong cảnh đày đọa, Grace và chị gái quyết tìm đường giải thoát. Họ kể chuyện với một người bác tốt bụng. Ông nói sẽ giúp họ rời khỏi đất nước. Người họ hàng đã sắp xếp thị thực ngắn hạn cho hai cô gái, đưa họ tới sân bay đến London bằng vé máy bay một chiều.

Trước khi đi, người bác của Grace nói bạn của ông sẽ đón họ ở sân bay Heathrow và sẽ giúp hai chị em tìm nơi trú ẩn tạm thời.

Và mọi chuyện đã diễn ra đúng như vậy. Tuy nhiên, người bạn của bác Grace bị ung thư giai đoạn cuối và ông ấy cũng không giàu có để có thể giúp đỡ hai chị em nhiều hơn những gì ông đã cố gắng làm.

Ông giới thiệu hai chị em Grace với những người bạn ở một nhà thờ địa phương, chủ yếu gồm những người nhập cư từ Tây Phi. Những người này sẽ giúp chị em Grace chỗ ăn ở. 3 tuần sau, người đàn ông tốt bụng qua đời.

Chuỗi ngày bị lạm dụng trong đau đớn

Các gia đình ở đất nước này, những người nghèo và làm việc hàng giờ đồng hồ, muốn tìm kiếm phụ nữ trẻ, độc thân để chăm sóc trẻ em, giúp họ nấu ăn và làm việc nhà”, Grace nói. “Tôi và chị gái sống với nhiều gia đình. Chúng tôi phụ thuộc mọi thứ ở họ, từ thức ăn tới quần áo”.

Grace không có phòng riêng. Cô ngủ trên ghế sofa trong phòng khách, đợi mọi người trong gia đình chủ đi ngủ rồi mới đi nghỉ. Cô hầu như không có không gian riêng và chắc chắn không được phép làm phiền gia đình chủ. Grace sớm nhận ra mình không được an toàn khi sống như vậy.

“Khi mọi người đi ngủ vào ban đêm, người đàn ông trong gia đình ấy bắt đầu dùng tôi làm công cụ thỏa mãn nhu cầu tình dục”, cô nói. “Ông ta biết tôi là người nghèo và không có nơi nào để đi. Khi đó tôi không biết gì về hệ thống pháp luật. Tôi không thể tới đồn cảnh sát vì sợ sẽ bị bắt hoặc bị trục xuất”, Grace nói.

Cô nói mình không thể kể điều đó với vợ hắn bởi lo rằng sẽ bị đuổi khỏi nhà nếu bà ta nghĩ lời cô nói là bịa đặt. “Tôi có thể làm gì ở hoàn cảnh đó đây? Chẳng thể làm gì”, Grace kể.

Chị gái Grace cũng rơi vào cảnh tương tự. Cả hai đều bị mắc kẹt trong tình huống trớ trêu. Nhưng họ chẳng thể ngờ phía trước còn nhiều còn khó khăn hơn thế.

Khi những đứa trẻ trong gia đình đó tới tuổi đi học, Grace được thông báo rằng, cô không còn cần thiết nữa với họ nữa và phải rời khỏi nhà. Trong khi chờ đợi một gia đình khác từ nhà thờ tới đưa đi, Grace phải sống lay lắt, ăn tạm bợ qua ngày nhờ sự giúp đỡ của bạn bè. Cô ngủ trên băng ghế ở công viên và trên những chuyến xe buýt đêm.

Nhiều phụ nữ tới từ các quốc gia khác trở thành nạn nhân vấn nạn lạm dụng tình dục ở Anh mà không dám lên tiếng. Ảnh: INSIGHT News

Trong suốt 20 năm, Grace đã giúp việc cho hơn một chục gia đình và gần như ở nhà nào, cô cũng bị lạm dụng tình dục. “Tôi ngủ trên sàn nhà và ghế sofa. Nếu có khách du lịch nam qua đêm ở đó, tôi gần như sẽ bị lạm dụng. Nhiều gã đàn ông sẽ vào phòng tôi vào ban đêm và đụng chạm cơ thể. Hoặc hơn thế”, Grace nhớ lại.

 Đêm xuống, tôi sẽ cố đóng chặt cửa bằng cách chặn cả tủ kéo ở cửa để những gã đàn ông không thể vào. Nhiều khi, cách này phát huy hiệu quả, đôi lúc lại không. Sáng hôm sau, đứng trước mặt vợ và con cái họ, những gã này tỏ ra như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Điều này không chỉ xảy đến một hoặc hai lần với một hoặc hai gia đình, mà nhiều lần như vậy”.

Năm 2008, bi kịch ập đến. Chị gái của Grace mất tích sau cuộc gặp với một gã đàn ông mà cô ấy gặp trên mạng. “Tôi như thể rơi xuống địa ngục”, Grace nói.

Cô gái gọi tới các bệnh viện và nhờ các bạn báo với cảnh sát. Tuy nhiên, cho tới nay, người chị gái vẫn bặt vô âm tín. Grace đã không nghe được bất kỳ thông tin nào về chị gái trong suốt 10 năm qua.

Trong lúc cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết, Grace một lần nữa bị đuổi việc vì người ta không cần tới cô nữa. “Tôi sống vô gia cư trong nhiều tuần. Tôi ngủ trên băng ghế công viên hoặc nếu có cảm giác sợ hãi khi chỉ có một mình, tôi sẽ bắt xe buýt và ở trên đó suốt đêm”, cô kể.

Ánh sáng cuối đường hầm

Một ngày nọ, phép lạ đã xảy đến với Grace khi gặp người đàn ông mà cô từng biết khi lần đầu đặt chân tới Anh. Ông ấy đưa cô tới trung tâm dành cho người tị nạn ở London, nơi các nhân viên lắng nghe câu chuyện của cô và giúp đỡ.

Đó là một ngày lạnh giá tháng 10 ở London khi Marchu Girma đứng trước căn phòng gồm 35 người xin tị nạn tới từ Sahara của châu Phi, bao gồm cả Grace.

Bà Marchu Girma. Ảnh: BBC

Girma là giám đốc tổ chức phi chính phủ Women For Refugee Women dành cho những phụ nữ xin tị nạn ở Anh. Xuất thân từ Ethiopia, bản thân Girma tị nạn ở Anh năm cô 11 tuổi.

Những người phụ nữ tìm thấy chúng tôi qua những thông tin truyền miệng. Họ nói với nhau về Women For Refugee Women tại nhà thờ, các trung tâm giam giữ, thông qua các tổ chức từ thiện khác. Đây là nơi họ được bảo vệ và đảm bảo quyền riêng tư. Tất cả phụ nữ đến với chúng tôi đều nằm trong hệ thống, họ là một phần của quá trình tị nạn hợp pháp. Họ đang tìm kiếm sự đoàn kết”, Girma nói.

Theo bà Girma, những phụ nữ tới với tổ chức đã trải qua chuỗi ngày bị lạm dụng kéo dài và liên tục. Họ chạy trốn bạo lực tình dục và có một cuộc sống bị lạm dụng khi ở Anh.

Tình hình tồi tệ nhất đối với những người đang sống tại Anh mà không xin tị nạn.

“Hiện tại, có sự chia sẻ dữ liệu giữa cảnh sát và các nhân viên nhập cư Anh. Chúng tôi đã nghe nói về những trường hợp phụ nữ báo rằng họ bị lạm dụng và bị giam trong các trung tâm giam giữ hoặc thậm chí bị trục xuất về nước. Trước những tình huống nguy hiểm này, họ tìm cách trốn chạy. Hệ thống (pháp lý) hiện tại là rào cản khiến phụ nữ không dám báo với giới chức về nạn bạo lực tình dục và những kẻ săn mồi biết điều này”, Girma nói.

Với sự giúp đỡ của tổ chức Women For Refugee Women, giờ đây, khi ở tuổi 37, Grace có tham vọng vượt qua kỳ thi lấy bằng Chương trình Phổ thông Anh Quốc (GCSE). Cô muốn giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh và hy vọng sẽ đủ điều kiện để trở thành một bà đỡ.

Hiện Grace sống với một cặp vợ chồng già 80 tuổi và đã được ở lại Anh thông qua chương trình lưu trú dành cho người tị nạn. Tuy nhiên, cô không có quyền hợp pháp để làm việc tại đây và không có thu nhập. Grace nhận thực ăn từ ngân hàng thực phẩm và mặc quần áo do mọi người quyên góp. Nhưng Grace không từ bỏ hy vọng sẽ tìm thấy chị gái và sớm nhận được cấp giấy phép tị nạn, sau 3 lần thất bại.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Trọng Hiếu

Được quan tâm

Tin mới nhất