Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Cuộc sống của người dân trên toàn thế giới ra sao khi cách ly vì dịch COVID-19?

Hàng trăm triệu người trên thế giới phải chấp nhận cuộc sống quẩn quanh trong khu phố, trong nhà suốt cả tháng trời vì dịch COVID-19 nhưng nhờ vậy họ nhận ra được một số điều trước đây bỏ lỡ.

Bước ngoặt này đã tạo ra nhiều thử thách đối với xã hội, khi mọi người buộc phải chuyển những hoạt động quan trọng như làm việc và học tập, giao lưu lên nền tảng trực tuyến. Tuy nhiên, sẽ rất chủ quan và phiến diện khi nói rằng quãng thời gian “bế quan tỏa cảng” này chỉ mang đến những cảm xúc tiêu cực. Chính nhờ những tháng ngày không bước chân ra đường, không bị cuốn theo guồng quay hối hả của cuộc sống mà nhiều người đã nhận ra điều gì mới thực sự quan trọng, tạo cơ hội để mọi người sống chậm lại, nghĩ suy nhiều hơn và thân thiết với gia đình hơn.

Cậu học trò Sha Jie ngồi bên bàn bếp trong căn hộ rộng 70 m², chăm chú dõi theo một chương trình dạy học trên TV. Bé trai 10 tuổi đang sống cùng bố mẹ và bà nội ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc). Từ ngày cả nước áp dụng lệnh phong tỏa để chống dịch, phạm vi hoạt động của cậu học sinh tiểu học gói gọn lại trong khu phố nhà mình.

Sha Jie xem chương trình dạy học trên TV.

“Cháu được ra ngoài chơi nhiều nhất một lần mỗi ngày, chỉ loanh quanh trong khu phố thôi. Bố mẹ luôn nhắc cháu đeo khẩu trang trước khi đi, về đến nhà thì phải rửa tay sạch sẽ”, Sha Jie nói. “Ở nhà, cháu học bài, tập vẽ, xem phim… Còn lắp ráp mô hình nữa. Cháu đã lắp được một chiếc xe LEGO có lập trình điều khiển rồi này”. Khi được hỏi muốn làm gì nhất khi đi học trở lại, ánh mắt cậu bé lấp lánh niềm ao ước: “Cháu muốn được nô đùa với các bạn và chơi game tại Toys 'R' Us”. 

Ở bên kia bán cầu, nữ sinh 14 tuổi Lavinia Tomassini cũng đang nỗ lực học tập tại nhà ở thành phố Milan, Ý. “Em dậy muộn và thức khuya hơn bình thường nhiều. Học ở nhà rất khó tập trung tinh thần, khi ở trường, em tiếp nhận kiến thức hiệu quả hơn do ít có cơ hội phân tâm. Em thích được đến trường”, Tomassini chia sẻ. “Thật hy vọng ác mộng này sớm ngày chấm dứt… Em khó mà học hành hiệu quả khi ở nhà, bởi luôn có thứ gì đó quấy nhiễu tâm trí, không tài nào tập trung nổi. Hơn nữa, em cũng muốn được ra ngoài mà không phải lo nhiễm bệnh”.

Lavinia Tomassini mệt mỏi vì khó tập trung.

Cũng như bác sĩ tại bao quốc gia đang lao đao vì COVID-19, William Jason Sulaka chỉ có thể chẩn đoán cho bệnh nhân thông qua cuộc gọi video. “Tôi thà rằng gặp mặt bệnh nhân tại phòng khám. Thăm khám trực tiếp luôn hiệu quả hơn chẩn đoán qua màn hình”, anh nói. Song, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, anh chỉ có thể ở yên trong nhà tại West Bloomfield, Michigan (Mỹ) với vợ con.

“Tôi nhớ cảm giác thoải mái và tự do trong quá khứ khi bước chân ra đường, không phải lo ngay ngáy người xung quanh mình mắc bệnh”, Sulaka nói tiếp. Từ khi đại dịch bùng phát, số lượng bệnh nhân tìm đến Lisa Elconin - một bác sĩ 57 tuổi cũng sống tại West Bloomfield, Michigan - đã tăng lên gấp 10 lần so với trước kia.

William Jason Sulaka phải khám bệnh “online” vì COVID-19.

Thế nhưng, chính nhờ quãng thời gian “cách ly” này mà nhiều người đã ngộ ra ý nghĩa thực sự trong cuộc sống của mình. Dino Lin, nhân viên của một cơ sở sản xuất phụ tùng ô tô, đã kịp chuyển đến một căn hộ rộng rãi hơn ở Thượng Hải ngay trước khi dịch bệnh bùng phát. Đổi sang nơi ở mới, công chúa nhỏ 5 tuổi Wowo Lin nhà anh đã có một căn phòng xinh xắn cho riêng mình.

“Hầu hết thời gian chúng tôi đều ở nhà. Dù không bắt buộc phải làm thế, nhưng gia đình tôi vẫn quyết định không ra ngoài lung tung để tránh bị nhiễm virus… Thỉnh thoảng tôi có xuống lầu mua thức ăn, còn vợ và con gái không hề bước chân ra khỏi cửa”, người đàn ông 40 tuổi chia sẻ. Trước kia, Lin phải tất bật đi về giữa Thượng Hải và thành phố ở vùng Hoa Trung nơi anh làm việc.

Gia đình Dino Lin cùng tập thể dục tại nhà.

“Giờ thì tôi đã có nhiều thời gian hơn dành cho vợ con. Chúng tôi giúp con gái sắp xếp lịch hoạt động hàng ngày, bao gồm học tiếng Anh, toán, đàn cello, đọc sách và xem phim hoạt hình. Con gái tôi thích nhất là xem hoạt hình”, anh vui vẻ nói. “Sau khi dịch bệnh bị đẩy lùi, tôi sẽ đưa vợ con đi nhà hàng ăn một bữa thịnh soạn để chúc mừng. Chắc hẳn con tôi nhớ bạn bè lắm rồi”.

Sau cả tháng trời không gặp mặt, các thành viên của nhóm nhạc The 2econd ở Bắc Kinh đã tề tựu để làm một buổi biểu diễn, phát sóng trực tiếp cho người hâm mộ. “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải xa cách bạn bè gần hai tháng ròng. Chúng tôi là những đứa trẻ được sinh ra trong giai đoạn kế hoạch hóa nên không hề có anh chị em, chúng tôi vừa là bạn thân vừa là anh em tốt, cùng chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn. Cuối tuần nào tôi cũng hẹn mọi người đi tụ họp trò chuyện. Cuộc sống thật tẻ nhạt khi không còn thói quen đó”, Zhang Cheng, ca sĩ của nhóm, chia sẻ.

Gần hai tháng không gặp, ban nhạc The 2econd cuối cùng cũng tụ hội.

“Giai đoạn này dẫn đến một số hệ quả bất ngờ. Dù phải hoãn vài buổi biểu diễn, nhưng chúng tôi đã có thời gian để bình tĩnh suy ngẫm về sự nghiệp, tìm ra hướng phát triển trong tương lai để ngày một trưởng thành hơn”, chàng trai 30 tuổi nói tiếp.

Thomas Law Kwok Fai, một linh mục Công giáo 70 tuổi ở Hong Kong, cũng đã chuyển sang truyền giáo bằng hình thức livestream sau khi giáo hội tạm thời không cho phép tín đồ quy tụ tại nhà thờ. “Đây là một quyết định khó khăn. Tuy nhiên, đó lại là đại biểu của đức tin mà chúng tôi dành cho Chúa. Người đã ban cho chúng tôi sức mạnh để hy sinh, đưa ra quyết định có lợi cho các con chiên vào lúc này”, ông nói.

Mục sư Thomas Law Kwok Fai cử hành thánh lễ qua livestream.

Thay vì phát trực tiếp, giáo viên khiêu vũ Alessia Mauri ở Milan, Ý lại quyết định quay lại các bài giảng và thực hành vũ đạo của mình để học sinh có thể xem bất cứ lúc nào họ muốn. “Học sinh của tôi sẽ cảm thấy thú vị khi xem được những bài dạy nhảy cụ thể thế này, khác với những vũ điệu được tôi phát trực tiếp và công khai trên Instagram. Hẳn là các cô gái của tôi sẽ thích xem video dạy khiêu vũ từng bước để họ dễ dàng học theo ở nhà, không bị gián đoạn quá trình tập luyện”, cô giáo 34 tuổi chia sẻ.

Alessia Mauri ghi lại bài dạy nhảy cho học sinh.

Ana Pereira sống cùng mèo và cún của mình tại thủ đô Caracas, Venezuela. Từ ngày dịch bệnh tràn lan, niềm vui khi được đi chơi mỗi tuần cùng bạn bè của người phụ nữ 51 tuổi đã biến mất. Không nỡ lòng từ bỏ thói quen từ năm 2011 đến nay, tuần nào họ cũng ngồi trước laptop, “quây quần” cùng nhau trên mạng để ngắm cảnh đẹp khắp nơi, xem như đã được đi du lịch.

Ana Pereira quá cô đơn khi không được gặp bạn bè.

Dù vậy, trong lòng Pereira vẫn bứt rứt vì phải giam mình trong nhà. “Tôi muốn được tiếp xúc với bạn bè, tôi đã sống thiếu điều đó lâu lắm rồi”, cô nói. Chia sẻ về thứ đầu tiên muốn nhận được khi mọi thứ trở lại bình thường, Pereira không do dự cho biết cô cần “một cái ôm”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Reuters

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tiếc cho Đoàn Văn Hậu