Dựng trại trên núi cao nghìn mét săn thuốc quý
Ma Junxiao, một lão nông sống tại vùng cao nguyên xa xôi ở miền tây Trung Quốc, hằng ngày leo lên những sườn núi cao để tìm kiếm một loại nấm nhỏ. Dù có kích thước nhỏ bé, nhưng những cây nấm này có tác dụng chữa bệnh rất bất ngờ và cũng là kế sinh nhai của gia đình ông.
Vào mùa xuân, ông Ma đi hơn 600 km đường bộ từ ngôi làng nhỏ và nghèo nàn của mình ở tỉnh Cam Túc đến một ngọn núi không tên ở tỉnh Thanh Hải. Tại đó, ông hòa vào đám đông khoảng 80 người khác để tạo nên đội quân săn tìm Ophiocordyceps sinensis hay còn gọi là đông trùng hạ thảo.
Khi lời bàn tán về loại thảo dược này được lan xa, nó không còn là những thang dược được kê bởi thầy thuốc, mà các công ty dược phẩm đã nhanh chóng lao vào để tranh lấy món lợi, họ trả cho nông dân hàng triệu nhân dân tệ để đổi lấy số nấm mọc khắp nơi trên ngọn núi này.
Tuy vậy, do việc khai thác quá mức, vùng thu hoạch lớn ở Thanh Hải hiện đã sụt giảm năng suất vì chúng không kịp mọc cây mới. Mỗi vụ giờ đây chỉ có giá trị thu hoạch khoảng từ 7.000 đến 8.000 Nhân dân tệ và dự kiến con số này sẽ còn thấp hơn nữa trong tương lai.
Một trong những lý do chính ngoài việc khai thác quá mức, đó chính là do khí hậu đang ấm hơn dẫn đến việc tuyết rơi vào mùa đông ít hơn, khiến loài nấm này không thể phát triển được bởi chúng chỉ sinh trưởng trong điều kiện nhiệt độ không quá 5 độ C.
“Các dòng sông băng đã biến mất dần, tuyết không còn rơi nhiều đến độ phủ một lớp dày trên mặt núi, những điều này dẫn đến việc đông trùng hạ thảo không còn chỗ để sinh trưởng”, ông Ma (49 tuổi), đã có kinh nghiệm 14 năm hái loại nấm này ở Thanh Hải, chia sẻ.
Số lượng các dòng sông băng trên cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng đã giảm đi 15% trong nửa thế kỷ qua khi nhiệt độ trong vùng đã tăng cao rất nhiều lần so với mức nhiệt độ trung bình được duy trì suốt hàng trăm năm trước. Ngoài vấn đề sụt giảm năng suất, nhu cầu tăng cao của thị trường cũng tạo nên áp lực đè lên vùng núi này.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, tầng lớp trung lưu mới nổi của Trung Quốc sẵn sàng vung tiền để mua đông trùng hạ thảo với niềm tin đây là liều thuốc quý có thể chữa được bá bệnh, người ta lạm dụng loài nấm này để điều trị đủ mọi loại bệnh bất chấp không có cơ sở khoa học. Đông trùng hạ thảo vô tình được ngầm xếp nhóm là một loại siêu thực phẩm theo xu hướng mới ngày nay.
Cơn sốt lên núi 'đãi vàng'
Mọc tự nhiên ở vùng núi Himalaya thuộc khu vực Tây Tạng và Thanh Hải, đông trùng hạ thảo là một cứu cánh kéo nền kinh tế trì trệ của địa phương ra khỏi vũng lầy, những cây nấm này tạo ra hàng trăm việc làm và dẫn đến cơ hội làm giàu cho nhiều người dân trong vùng.
Vào thời điểm được giá nhất hồi năm 2010, đông trùng hạ thảo được bán đi với giá lên đến 100.000 USD mỗi kilogram, tạo nên cơn sốt kéo những người nông dân như ông Ma từ bỏ ruộng vườn và đàn gia súc để leo núi “đãi vàng”.
Với mỗi cây nấm thu hoạch, ông Ma nhận được 6 tệ. Ông có hai người con trai cùng mở một tiệm mì ở tỉnh Giang Tô, vốn kinh doanh ban đầu của quán ăn này đến từ những cây đông trùng hạ thảo mà người cha thu hoạch được ở độ cao 4.500 mét so với mực nước biển.
Các chuyên gia cho biết người dân nên tự trồng lấy loại nấm này trong môi trường thích hợp được mình chủ động kiểm soát thay vì phó mặc vào tự nhiên và chứng kiến cảnh tượng đông trùng hạ thảo dần khan hiếm.
Chỉ có chủ động sản xuất mới là phát triển bền vững. Chính quyền tỉnh Thanh Hải đưa ra con số 150 tấn đông trùng hạ thảo đã được thu hoạch trong năm 2010 nhưng đến năm 2018, con số này chỉ còn 41.200 kg.
Tuy vậy, đó chỉ là cái nhìn từ phía những người nông dân. Ở đầu bên kia của chuỗi sản xuất, thương lái sau khi mua đông trùng hạ thảo thô sẽ thực hiện các công đoạn cần thiết để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh và rao bán với mức giá rất cao.
Mỗi mẩu nấm như vậy được bán tại xưởng với giá thấp nhất là 20 tệ, khi qua quá trình vận chuyển và lưu trữ, nó sẽ được bán với giá hàng trăm tệ tại một cửa hàng ở Quảng Đông, Bắc Kinh hay Thượng Hải.
Các thương nhân cũng không quên tận dụng tiềm năng từ mạng xã hội, họ tạo nên hình ảnh những người sành điệu và giàu có dùng đông trùng hạ thảo như một thực phẩm chức năng, khiến giới trung lưu ở đất nước này đổ xô săn tìm để mua về và sử dụng.
Không khó đến chứng kiến gia đình các thương lái và cơ sở sản xuất giàu lên nhanh chóng vì đông trùng hạ thảo, thu nhập của họ cao gấp nhiều lần so với những người nông dân như ông Ma.
Mặc dù đông trùng hạ thảo đang khan hiếm và sản lượng thu hoạch sụt giảm đều qua các năm, nhưng giới thương nhân vẫn không đắn đo lắm về những điều này, họ sử dụng những chiêu thức tiếp thị và nâng giá sản phẩm khi nguồn cung khiêm tốn.