Đó là năm 1975. Chiến dịch Không vận Mercy do báo Anh Daily Mail tổ chức đưa 100 em nhỏ được cho là không còn cha mẹ từ Sài Gòn sang Anh trong bối cảnh miền Nam Việt Nam vừa được giải phóng. Vance McElhinney là một trong 100 em nhỏ trên chiếc máy bay Boeing 777 hạ cánh xuống sân bay Heathrow khi đó. Một số em bị suy dinh dưỡng, nhiều em khác mắc bệnh nặng và cần được trợ giúp y tế khẩn cấp.
Vance sau đó được một gia đình Bắc Ireland là ông Cyril và bà Liz McElhinney nuôi dưỡng. Khi rời khỏi Việt Nam, thứ duy nhất đi cùng Vance là một bức ảnh nhàu nát chụp lúc anh còn nhỏ với dòng chữ viết nguệch ngoạc “Van Tan Nguyen”.
Vance lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ nuôi. Anh cũng nghĩ mẹ đẻ của mình không còn nữa. Đối với Vance, việc hòa nhập với cộng đồng toàn người da trắng chẳng phải điều dễ dàng. Anh quyết định bỏ nhà tới Anh vào năm 20 tuổi. Cho tới khi mẹ nuôi của Vance bị chẩn đoán mắc bệnh neuron vận động, anh quyết định trở về nhà ở Lurgan để chăm sóc bà.
Đó cũng là ý nghĩ tìm lại nguồn cội thôi thúc trong Vance. Anh quyết định tham gia chương trình “A Place To Call Home” (Nơi gọi là nhà) của BBC Bắc Ireland với hy vọng tìm được gia đình ở Việt Nam. Trong chương trình, anh đã gặp các nữ tu sĩ từ trại trẻ mồ côi ở Việt Nam và những nhân vật quan trọng của chiến dịch không vận năm xưa.
Sau khi chương trình được phát sóng, khoảng 30 người ở Việt Nam nhắn tin qua Facebook, nhận là người thân của Vance. Một người phụ nữ trong số đó tự xưng là em họ khiến anh đặc biệt quan tâm. Cô đã gửi cho Vance một số bức ảnh và nói đó là cha của anh. Khá thuyết phục trước những thông tin mà người tự nhận là em họ cung cấp, Vance đáp chuyến bay về Việt Nam để tìm gặp cô.
Cuộc đoàn tụ xúc động
Họ gặp nhau ở một quán cà phê tại thị trấn ven biển Quy Nhơn, gần trại trẻ mồ côi nơi Vance từng sống năm xưa.
Khi trò chuyện với nhau, Vance hy vọng có thể biết thêm thông tin về gia đình. Thế nhưng anh vô cùng bất ngờ khi cô em họ chỉ vào một người phụ nữ đang pha cà phê và nói: “Bà ấy là mẹ của anh”.
Bà Lê Thị Anh bật khóc khi cho Vance xem những bức ảnh chụp một đứa bé và nói bà không hề muốn bỏ rơi anh nhưng vì phải nằm viện nên đành gửi tạm con vào trại trẻ, khiến anh bị lầm tưởng là trẻ mồ côi.
“Mẹ tôi lấy từ trong túi ra những tấm ảnh chụp tôi, cha tôi và ảnh chụp bà những năm 20 tuổi. Bức ảnh cha tôi khiến tôi xúc động bởi tôi rất giống ông ấy”, Vance kể.
Bà Anh cho biết, cha của Vance là lính, ham mê rượu chè, cờ bạc và hay đánh đập vợ. Ông thậm chí đã bắn cha mẹ và anh chị em của bà rồi bỏ đi. Bà không rõ ông ấy còn sống hay không.
Sau cuộc gặp “ngỡ trong mơ” ấy, Vance ngần ngại thử ADN bởi sức khỏe của mẹ nuôi lúc đó đang xấu đi và anh muốn dành thời gian quý báu để ở bên bà.
Cho tới khi bà McElhinney qua đời ở tuổi 71 vào tháng 6/2017, Vance quyết định xét nghiệm ADN và kết quả chính xác, anh là con ruột của bà Anh.
Vance có kế hoạch quay trở lại Việt Nam vào tháng 2 và phân bổ thời gian cho hai gia đình ở Việt Nam và Bắc Ireland. “Gia đình McElhinneys đã làm mọi thứ vì tôi. Tôi không thể có một gia đình nào tốt hơn thế”, anh nói.
Có lẽ, dù dòng đời có đưa chúng ta về đâu, bất cứ ai cũng đều khao khát tìm về nguồn cội, biết được mình là ai… Câu chuyện đoàn tụ của Vance đang được chia sẻ khắp thế giới và khiến nhiều người xúc động.