Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Cuộc đời dành trọn cho hòa bình của cố Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan

Sự nghiệp đấu tranh cho nền hòa bình và nhân quyền của Kofi Annan đã mang lại cho ông giải thưởng Nobel Hòa bình. Là người châu Phi đầu tiên dẫn dắt Liên Hợp Quốc, ông được đánh giá là một trong những nhà ngoại giao nổi tiếng nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.

Cố Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan phát biểu tại Liên Hợp Quốc (Ảnh: Reuters)

Chính ngôi trường nội trú ở Tây Phi là nơi Kofi Annan, người sau này trở thành nhà ngoại giao hàng đầu thế giới, đã học được một trong những bài học quan trọng nhất trong cuộc đời của ông. Theo lời ông kể sau này, bài học đó là: “Sự thống khổ ở bất cứ đâu cũng đều là mối quan tâm của tất cả mọi người”.

Bài học đó dường như đã truyền cảm hứng cho Kofi Annan trong suốt cuộc đời, là minh chứng cho vai trò quan trọng của ông trong các cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới, từ đại dịch HIV/AIDS cho tới chiến tranh Iraq và sau này là biến đổi khí hậu.

Sự thay đổi

Ông Kofi Annan được vinh danh tại Đại học Georgetown ở Mỹ năm 2006 (Ảnh: Reuters)

Kofi Atta Annan và chị gái song sinh Efua Atta sinh ra tại thành phố Kumasi vào ngày 8/4/1938. Kofi Annan lớn lên trong một gia đình khá giả, có ông nội và ông ngoại từng là những nhà lãnh đạo còn cha là thị trưởng tại một đất nước khi đó vẫn nằm dưới sự quản lý của Anh.

Hai ngày trước khi Kofi Annan bước sang tuổi 19, đất nước của ông mới giành độc lập và trở thành Ghana như ngày nay. Đây là sự kiện đã tác động tới cuộc đời của Annan sau này.

“Tôi bước ra đời với tâm thế của một chàng trai trẻ luôn tin rằng chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi, thậm chí là sự thay đổi mang tính cách mạng triệt để”, Kofi Annan nói năm 2012.

Sau khi theo học tại trường đại học đầu tiên trên đất nước Ghana vừa giành được độc lập, Kofi Annan tiếp tục giành học bổng tại Đại học Macalester ở Mỹ và sau đó tới Thụy Sĩ nhận bằng thạc sĩ kinh tế.

Vào năm 1962, Kofi Annan bắt đầu làm việc tại Liên Hợp Quốc với vị trí nhân viên phụ trách ngân sách cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tới năm 1997, ông trở thành tổng thư ký Liên Hợp Quốc da màu đầu tiên ở tuổi 59.

Công việc khó khăn

Ông Annan nói chuyện với những người phụ nữ tị nạn tại Pakistan năm 2001 (Ảnh: AFP)

Kofi Annan tiếp quản vị trí tổng thư ký Liên Hợp Quốc đúng vào thời điểm tổ chức lớn nhất hành tinh này đang trên bờ vực phá sản sau 52 năm hoạt động. Tuy nhiên theo ông Annan, “Liên Hợp Quốc có thể được cải thiện, tổ chức này không hoàn hảo nhưng chúng ta cần nó”.

“Tôi là một người lạc quan bướng bỉnh. Tôi sinh ra đã là một người lạc quan và tôi sẽ vẫn luôn là một người lạc quan như vậy”, ông Annan từng nói.

Ông Annan thăm hỏi người thân của các nạn nhân thiệt mạng trong vụ bạo lực ở Đông Timor năm 2000. (Ảnh: Reuters)

Kofi Annan đã bắt tay vào quá trình cải tổ Liên Hợp Quốc, cắt giảm 1.000 đầu việc trong số 6.000 vị trí tại trụ sở của Liên Hợp Quốc ở New York. Ông cố gắng thuyết phục các nước thành viên của Liên Hợp Quốc chung tay giải quyết nhiều thảm kịch của thế giới. Ông cũng yêu cầu Mỹ thanh toán nốt số nợ của nước này tại Liên Hợp Quốc.

Kofi Annan cũng dành sự quan tâm tới việc xây dựng một tương lai tươi sáng cho thế giới bằng cách đặt ra Mục tiêu Thiên niên kỷ, bao gồm một loạt ưu tiên mà các nước cần đạt được trước năm 2015, từ giảm một nửa tỷ lệ đói nghèo cho tới chấm dứt sự lây lan của HIV/AIDS. Tuy vậy, đây không phải là công việc dễ dàng đối với ông.

Năm 2001, Kofi Annan và Liên Hợp Quốc được trao giải Nobel Hòa bình và là tổng thư ký thứ hai của Liên Hợp Quốc được trao tặng giải thưởng này. Kofi Annan được ca ngợi là người đã “mang đến sức sống mới” cho Liên Hợp Quốc, với vai trò không thể phủ nhận của ông trong cuộc đấu tranh vì quyền con người và hòa bình thế giới. Cũng trong năm đó, ông tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thư ký lần hai với sự ủng hộ rất cao.

Tháng 12/2006, Kofi Annan rời khỏi vị trí tổng thư ký Liên Hợp Quốc sau nhiều năm cống hiến. Khi đó, ở độ tuổi gần 70, nhiều người đã chọn cách nghỉ ngơi nhưng ông Annan vẫn tiếp tục các công việc đấu tranh cho quyền con người. Năm 2007, ông thành lập Quỹ Kofi Annan với sứ mệnh đẩy mạnh sự phát triển bền vững toàn cầu cũng như thúc đẩy an ninh và hòa bình.

Cố Tổng thư ký Liên Hợp Quốc chứng kiến lễ ký thỏa thuận chấm dứt bạo lực tại Kenya năm 2008 (Ảnh: EPA)

Một năm sau đó, Kofi Annan đã thực hiện một sứ mệnh ngoại giao được cho là thành công nhất trong sự nghiệp của ông. Thỏa thuận chia sẻ quyền lực do ông góp phần bảo trợ đã chấm dứt tình trạng bạo lực từng khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng tại Kenya.

Năm 2012, ông Annan được chỉ định làm đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả rập về vấn đề Syria. Trong vai trò mới này, ông đã nỗ lực để tìm cách chấm dứt cuộc xung đột tại Syria.

Năm 2013, ông được bầu làm chủ tịch của The Elders - nhóm tập hợp các nhà lãnh đạo toàn cầu đấu tranh cho nhân quyền và hòa bình do nhà lãnh đạo Nam Phi Nelson Mandela sáng lập. Ngoài ra, Kofi Annan cũng đóng góp tiếng nói của ông trong nhiều vấn đề quan trọng của thế giới như biến đổi khí hậu.

Tôi nhận ra rằng nghỉ hưu hóa ra lại là một công việc vất vả”, cựu tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói đùa trong một cuộc phỏng vấn vớiBBC nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80.

Niềm tiếc thương

Ông Kofi Annan gặp nhà lãnh đạo Nelson Mandela tại Nam Phi năm 2006 (Ảnh: EPA)

Trong thông báo về sự ra đi của Kofi Annan vào sáng 17/8, Quỹ Kofi Annan đã mô tả ông là “một chính khách toàn cầu và là người đã đấu tranh cả một đời cho một thế giới công bằng và hòa bình hơn”.

Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo gọi ông Annan là “một trong những đồng bào vĩ đại nhất”. Trong khi đó, đương kim Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres mô tả ông Annan như một động lực dẫn đường của lòng tốt.

“Kofi Annan chính là Liên Hợp Quốc. Ông ấy đã đi lên từ nhiều vị trí để dẫn dắt Liên Hợp Quốc tới thiên niên kỷ mới với phẩm cách và quyết tâm vô song”, ông Guterres nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ký ức về ông Annan sẽ “sống mãi trong trái tim của người dân Nga”, trong khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói rằng “thế giới đã không chỉ mất đi một nhà ngoại giao, một nhà nhân quyền châu Phi vĩ đại mà còn mất đi một người gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế”.

“Ông là nhà lãnh đạo và là nhà cải cách vĩ đại của Liên Hợp Quốc với đóng góp to lớn trong việc biến thế giới thành nơi tốt đẹp hơn”, Thủ tướng Anh Theresa May viết trên Twitter.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Dân Trí

Được quan tâm

Tin mới nhất