Ở Việt Nam, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người vẫn còn non kém. Kiểu đi “tiện là chen - thích là lấn”, không những khiến tình trạng giao thông thêm ùn tắc, mà còn có thể đe dọa đến tính mạng của chính họ và thậm chí là những người xung quanh.
Không chỉ những người đi ô tô, xe máy mới như vậy mà cả người đi bộ vẫn chưa có ý thức tốt. Có vạch kẻ đường nhưng họ không sang, có hầm đi bộ, cầu thang bộ nhưng họ không đi. Họ có thể sang đường bất cứ nơi đâu, bất chấp khu vực cấm hay trèo qua rào phân cách.
Học sinh Nhật Bản cúi đầu cám ơn ô tô khi được nhường đường
Cách đây không lâu, hình ảnh một cô bé học sinh tại Nhật Bản lễ phép cúi đầu cám ơn tài xế ô tô khi được nhường đường đã khiến không ít người phải trầm trồ thậm chí là xấu hổ.
Video: Bé gái Nhật Bản cúi đầu khi được ô tô nhường đường.
Trong một clip khác, tất cả học sinh đều đồng loạt quay lại và cúi đầu cảm ơn những chiếc xe đã nhường đường cho mình, mặc dù đây là việc đương nhiên họ phải làm khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ.
Video: Những đứa trẻ đồng loạt cúi đầu cám ơn khi tài xế dừng xe khi có tín hiệu đèn đỏ.
Những clip này khiến không ít người nhìn nhận lại cách tham gia giao thông cũng như cách giáo dục con em mình. Bên cạnh đó, họ cũng bày tỏ lòng thán phục trước nền giáo dục toàn diện và sâu sắc của Nhật Bản: Nhân cách của con người bắt đầu bằng việc biết “xin lỗi” và biết “cảm ơn”.
Bài học tuyệt vời trẻ em Nhật được dạy:
1. Bài học đầu tiên: “Cảm ơn - Xin lỗi”
Người Nhật rất chú trọng các câu chào hỏi, xin lỗi và cám ơn. Do đó, ngay từ khi bước chân vào mẫu giáo, trẻ em Nhật Bản đã được dạy cách cảm ơn sau khi nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào dù lớn hay nhỏ, cũng như cách xin lỗi.
Khi trẻ đến trường, việc đầu tiên trẻ phải làm là xếp hàng vào lớp và trịnh trọng chào giáo viên trước khi bắt đầu học. Trong quá trình học và chơi, trẻ cũng được hướng dẫn và nhắc nhở sử dụng các câu cám ơn và xin lỗi trong từng tình huống.
Trẻ phải xếp hàng để vào lớp học.
Đến giờ ăn, trẻ sẽ cùng nói “Itadakimasu” (Tôi biết ơn vì được nhận đồ ăn) trước khi bắt đầu bữa ăn và nói ”Gochisosamadeshita” (Cám ơn vì bữa ăn) khi đã ăn xong. Theo người Nhật, hành động này sẽ dạy cho trẻ biết cách trân trọng đồ ăn của mình và cám ơn những người đã tạo ra bữa ăn, cũng như cảm ơn vì mình đã được ngồi đây, ăn bữa ăn ngon miệng này.
Bài học đầu tiên mà trẻ được dạy ở đất nước hoa anh đào là “Cám ơn và xin lỗi”.
2. Bài học tự lập
Khoảng 3 tuổi, trẻ em Nhật đã được hướng dẫn tự làm các công việc cá nhân mà không cần đến người lớn chẳng hạn như tự ăn, tự đem khay sau khi ăn đến nơi dọn dẹp, tự mặc quần áo, trải ga trải giường, gấp gối, cất đồ chơi,….
Trẻ em Nhật tự tới trường bằng tàu điện ngầm, xe bus là điều rất bình thường.
Còn khi trẻ được 5 tuổi, trẻ sẽ được bố mẹ cho tới trường một mình bằng tàu điện ngầm, xe bus. Lúc này, các ông bố bà mẹ sẽ dạy cho con cách nhìn bảng giờ tàu, cách hỏi đường, hỏi chuyến tàu để đến được trường học đúng giờ. Nếu không tìm được đúng chuyến tàu, các em sẽ nhờ đến sự giúp đỡ của những người xung quanh hoặc các nhân viên nhà ga, bến xe bus.
3. Bài học nhân cách
Môn học bắt buộc và được chú trọng nhất ở Nhật Bản không phải là Toán, Văn hay Tiếng Anh mà đó chính là môn Đạo đức. Tuy nhiên, môn học này có thể được các thầy cô “thiên biến vạn hóa” để giảng dạy cho học sinh và không hề có giáo trình.
Các học sinh Nhật Bản tự đi lấy đồ ăn của mình.
Môn Đạo đức không chỉ được giảng dạy về những lý thuyết khô khan, nhàm chán mà còn diễn ra ngay trong những hoạt động hàng ngày như cách nói cảm ơn cha mẹ, tự nguyện giúp đỡ và phục vụ các bạn xung quanh, vệ sinh trường lớp…
Tại các trường học của Nhật Bản từ nông thôn tới thành thị, các học sinh đều bắt buộc làm vệ sinh lớp học và những nơi khác trong khuôn viên trường. Không những vậy, các em còn được tham gia nhiều hoạt động khác như chăm sóc động vật, chăm sóc người già… để học được cách trân trọng cuộc sống mà mình đang có và biết sẻ chia hơn với những người khác.