Cụ bà Sylvie (khoảng 60 tuổi) sống đơn độc trong một ngôi nhà ở York, nước Anh, nhưng bà không có khách tới thăm nhà trong 20 năm qua. Bên cạnh đó, những hàng xóm cũng để ý thấy cụ bà không ra ngoài đổ rác và thường xuyên ngồi trước cửa nhiều giờ.
Tò mò về tình hình của cụ Sylvie, hàng xóm liền tiến tới hỏi thăm cụ. Lúc này, mọi người mới biết được về cuộc sống “địa ngục” của cụ bà ở độ tuổi 60 trong suốt 2 thập kỷ qua.
Hóa ra, bà Sylvie bị trầm cảm và bà cảm thấy vô vọng với cuộc sống này. Bà không muốn cho ai vào nhà trong nhiều năm qua vì bà cảm thấy quá xấu hổ về căn nhà ngập rác của mình. Quả thực, cảnh tượng bên trong ngôi nhà của bà Sylvie đã khiến nhiều người choáng váng.
Bởi lẽ, cả ngôi nhà của cụ bà đều ngập trong rác thải. Cụ bà bị bao quanh bởi những bức tường rác cao tới 1,83m trong ngôi nhà 3 phòng ngủ. Cầu thang, hành lang và nhà bếp đều là rác, chúng nhiều tới nỗi chặn cả lối vào phòng tắm và các lối đi.
Bà Sylvie nói: “Tôi cảm thấy rất xấu hổ. Căn nhà đã trở nên rất tồi tệ nhưng tôi không nhìn thấy điều đó vì tôi mắc bệnh trầm cảm. Căn phòng thực sự tồi tệ, từ sàn lên đến trần nhà. Tôi phải ngủ trên đống rác.
Quá xấu hổ nên tôi không cho bất cứ ai vào nhà của mình, mà kể cả cho vào thì họ chắc cũng không thể vào được vì rác đã chặn hết cả lối đi. Tôi không thể lại gần tủ lạnh hay tủ đông vì rác chặn các lối đi”.
Sau khi biết tình trạng bà Sylvie đang gặp phải, hai người hàng xóm tốt bụng đã gọi cho Michaela Shaw - một tình nguyện viên của nhóm Community Bees, tới dọn dẹp ngôi nhà của cụ bà.
Với sự giúp đỡ của 3 người hàng xóm và 2 tình nguyện viên là Michaela và Pauline, 27 tấn rác đã được dọn ra khỏi nhà bà Sylvie. Được biết, đội ngũ dọn dẹp đã mất tới 3 chuyến xe vận chuyển cỡ lớn để tống hết đống rác khổng lồ ra ngoài.
Tuy nhiên, ngôi nhà đã bị xuống cấp nặng nề do không được dọn dẹp trong nhiều năm. Vì vậy, nhóm tình nguyện quyết định giúp cụ bà sửa sang lại ngôi nhà, bao gồm lắp ván sàn mới, mua lò nướng, bồn rửa ở bếp và các thiết bị mới cho bà.
"Họ không chỉ trích tôi mà còn giúp đỡ tôi tận tình. Tôi phải cảm ơn họ rất nhiều. Hiện giờ họ vẫn đến gặp tôi hàng tuần và giúp đỡ tôi", bà Sylvie chia sẻ.