Nhận xét về SARS-CoV-2, Tiến sĩ Andrew Miller thuộc Hiệp hội Y khoa Tây Australia nhận định: “Sự thật là chúng ta đã không gặp phải loại virus nào đáng gờm đến thế từ sau năm 1918, khi đại dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát”. Trước diễn biến ngày một phức tạp của COVID-19, chính phủ Australia đã nhiều lần thảo luận về xu hướng phát triển của dịch bệnh, không loại trừ kịch bản tồi tệ nhất là COVID-19 sẽ trở thành đại dịch cúm Tây Ban Nha thứ hai, vốn được biết đến với tên gọi “thảm họa y tế khủng khiếp nhất trong lịch sử”.
Đại dịch bùng phát khi Chiến tranh thế giới thứ nhất đang dần đến hồi kết thúc, khiến 500 triệu người khốn đốn vì bị lây nhiễm, giết chết khoảng 40 - 100 triệu bệnh nhân chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Hiện vẫn chưa có cơ sở để xác định loại virus này bắt nguồn từ đâu, căn bệnh do chúng gây ra được gọi là “cúm Tây Ban Nha” bởi nước này là nơi đầu tiên công khai phát hiện trường hợp nhiễm bệnh. Nhiều ý kiến cho rằng những người lính ở Mặt trận phía Tây đã mang theo mầm mống virus trở lại quê nhà, lây lan cho vô số người khác. Tuy nhiên, cũng có người tin rằng căn bệnh có nguồn gốc ở bang Kansas (Mỹ), sau đó bị binh sĩ Mỹ lan truyền khắp thế giới.
Vậy thì điểm giống nhau giữa cúm Tây Ban Nha và COVID-19 là gì? Trước hết, cả hai đều là các bệnh về đường hô hấp có tính truyền nhiễm. Hai căn bệnh này cũng có một số triệu chứng khá tương tự nhau, khi bệnh nhân đều có dấu hiệu sốt, ho và đau nhức cơ thể, dần chuyển thành viêm phổi thứ cấp do nhiễm trùng. Bệnh có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng, thậm chí khiến người bệnh tử vong.
Khi nhắc đến cả hai dịch bệnh này, phản ứng đầu tiên của mọi người đều là sợ hãi. Khả năng lây lan của chúng trong cộng đồng cực kỳ cao, hơn nữa, vì đều là chủng virus mới, cơ quan y tế cần có đủ thời gian để tìm hiểu về đặc điểm của chúng, từ đó nghiên cứu phương pháp điều trị.
Song, về mặt sinh học, không thể nói COVID-19 và cúm Tây Ban Nha giống hệt nhau. “SARS-CoV-2 không tương đồng với chủng virus gây đại dịch cúm Tây Ban Nha. Nó là một loại virus khác, biểu hiện bệnh và nhóm đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu cũng không hoàn toàn giống dịch cúm năm 1918”, trích lời Ian Mackay, nhà nghiên cứu virus tại Đại học Queensland, Australia.
Tương tự như khi đối phó với cúm Tây Ban Nha, chính phủ các nước nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng lệnh hạn chế đi lại và cách ly một số khu vực để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Trung Quốc đã thực thi lệnh phong tỏa đối với tỉnh Hồ Bắc, nhờ đó giảm tỷ lệ người bị lây nhiễm virus. Nếu không được hướng dẫn giữ vệ sinh và đảm bảo khoảng cách an toàn, có lẽ giờ đây số người mắc COVID-19 ở đất nước tỷ dân đã lên đến hàng triệu.
Trong khi đó, dù có một số khu vực được phong tỏa, song tình hình chiến sự và nhu cầu di chuyển của con người vẫn khiến công tác phòng dịch cúm Tây Ban Nha kém hơn bây giờ rất nhiều. Do đó, tốc độ lây lan của đại dịch này nhanh chóng vượt qua tưởng tượng của con người. Trong vòng 25 tuần ngắn ngủi, cúm Tây Ban Nha đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 25 triệu người trên toàn cầu.
Không giống các dịch bệnh khác, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cúm Tây Ban Nha không phải là người già và trẻ nhỏ, mà là những người trong độ tuổi 35 - 40, thậm chí trẻ hơn một chút. Thuở ấy, người ta tin rằng sở dĩ các cụ già không gục ngã hàng loạt trước sự tấn công của dịch bệnh vì họ đã trải qua nhiều đợt cúm giống nhau bắt đầu lây lan từ rất lâu trước đó, nhờ vậy mà phát triển hệ thống miễn dịch.
Ngược lại, người cao tuổi là nhóm dễ nhiễm bệnh và có nguy cơ tử vong cao nhất khi mắc COVID-19. Trẻ em, vốn là đối tượng bị lo ngại sẽ trở thành mục tiêu của virus corona chủng mới, lại không bị lây nhiễm nhiều, triệu chứng bệnh cũng nhẹ nhàng hơn so với nhóm tuổi khác.
Đại dịch cúm nổ ra vào thời tiền kháng sinh. Dù kháng sinh không chống được virus, song chúng có thể ngăn chặn các dạng nhiễm trùng thứ cấp phát sinh do virus. Do vậy, dịch cúm Tây Ban Nha đã có cơ hội hoành hành, giết chết hàng chục triệu người. Thế nhưng, quá trình đối phó với COVID-19 không đi vào vết xe đổ đó. Cùng với trang thiết bị hiện đại, bệnh viện với điều kiện cách ly sạch sẽ, chuyên gia y tế có kiến thức chuyên môn tiến bộ, chúng ta còn có sự trợ giúp của kháng sinh và thuốc kháng virus để chống lại dịch bệnh này.
Tiến sĩ Kirsty Short, nhà virus học thuộc Đại học Queensland, tin rằng với đợt bùng phát COVID-19, lịch sử khủng khiếp năm 1918 sẽ không lặp lại. “Tỷ lệ tử vong cao đến đáng sợ của dịch cúm Tây Ban Nha là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố”, cô nói. “Khi đó, chúng ta vừa mới kết thúc một cuộc thế chiến, xã hội đương rối loạn, mọi người lại không thực sự hiểu rõ về virus học và các bệnh truyền nhiễm”.
So với năm ấy, tình huống hiện tại đã khả quan hơn rất nhiều. “Các nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu phương pháp điều trị và vaccine mới để bảo vệ mọi người”, Tiến sĩ Short chia sẻ. “Năm 1918, bác sĩ chỉ có thể áp dụng một số biện pháp tự chế như thuốc phiện, song như chúng ta đều biết, cách này không thành công như mong đợi”.
Liệu COVID-19 có lặp lại trận thảm sát với quy mô kinh khủng trong thời gian cực ngắn như cúm Tây Ban Nha hay không? Câu trả lời là không, bởi tình thế bây giờ đã khác, chúng ta đang được vũ trang đầy đủ chống lại chủng virus mới này, không còn bị động như trước đây nữa.