Chị Emanuela Peric là công dân Croatia, đến công tác tại Nha Trang, Việt Nam vào tháng 2 và kẹt lại đây vì dịch COVID-19 đã khiến mọi đường bay bị phong tỏa. Hiện chị Emanuela đang sống trong một biệt thự xinh đẹp với 4 người khác đến từ Croatia, Đức và Philipines.
Dù cuộc sống không giống với ở quê nhà nhưng chị Emanuela cảm thấy rất thoải mái và an toàn khi ở Việt Nam, nhất là trong mùa dịch COVID-19, bởi lẽ chị cảm thấy ở đây rất an toàn.
“Dự án của chúng tôi đã bị đình chỉ và cũng giống như những người khác, chúng tôi hiện đang tập trung vào những việc cần làm trong thời gian cách ly xã hội. Chúng tôi không thể (thực sự là không muốn) về nhà. Tôi đang sống trong một biệt thự xinh đẹp với 4 người khác. Tôi dùng từ 'biệt thự' ở đây như một lời nhắc nhở với bản thân rằng đừng nên phàn nàn“, chị Emanuela chia sẻ.
Chị Emanuela cho biết, tuy bị kẹt ở Việt Nam nhưng chị cảm thấy đây giống như một kỳ nghỉ đông ở Croatia, chỉ khác là không có mùa đông. Ở Nha Trang và toàn tỉnh Khánh Hòa chỉ có một trường hợp duy nhất bị nhiễm COVID-19 kể từ ngày 2/2. Cuộc sống ở đây vẫn diễn ra bình thường, mỗi ngày chị và những người bạn cùng phòng đều dành nhiều thời gian trên bãi biển, đi ăn tối và kiếm đồ uống, chị Emanuela chia sẻ.
“Chính phủ Việt Nam đã đóng cửa biên giới với các nước có người nhiễm bệnh, từng nước từng nước một và lúc đó Việt Nam có 25 trường hợp dương tính với virus corona. Sau đó và kể cả bây giờ, tôi vẫn tin rằng đây là một trong những nơi an toàn nhất trên Trái đất khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Việt Nam đang kiểm soát đại dịch COVID-19 rất tốt. Một đất nước có 96 triệu dân nhưng chỉ có 239 ca nhiễm COVID-19 ở thời điểm tôi chia sẻ bài viết này. Thật đáng kinh ngạc “, chị Emanuela nói.
Tuy nhiên, vào tháng 3, những người Việt Nam đi du lịch ở châu Âu bắt đầu trở về quê nhà và họ mang theo những “món quà lưu niệm” không mong muốn. Lại một lần nữa Việt Nam gặp phải rắc rối mà lần này là từ phía trời Tây mang lại.
Một vài ca nhiễm bệnh được ghi nhận và chính phủ ban hành lệnh cách ly toàn xã hội trong tháng 4 để hạn chế các rủi ro có thể xảy ra. Điều này có nghĩa là không tụ tập, các bãi biển đóng cửa, cửa hàng thực phẩm và dịch vụ giao hàng vẫn hoạt động, chị Emanuela chia sẻ với tờ Total Croatia News.
Chị Emanuela nói: “Mọi người bắt đầu rửa tay và tôn trọng không gian cá nhân, không ai phàn nàn về điều đó. Vật giá ở đây vốn đã rẻ, bây giờ còn rẻ hơn nữa. Vật giá tụt dốc như điên nhưng tất nhiên tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên.
Cộng đồng người nước ngoài ở đây được thông tin rõ ràng và người dân địa phương cũng vậy. Chúng tôi biết được những gì có thể làm và không thể làm. Chúng tôi nhận được SMS mỗi ngày với lời nhắc nhở nên rửa tay và ở trong nhà. Khi ở trong nhà, tôi có thể nghe thấy một chiếc xe tải gắn loa chạy xung quanh và nhắc nhở mọi người không nên đi ra ngoài khi không cần thiết.
Cảnh sát ở khắp mọi nơi để đảm bảo người dân không phá vỡ quy định cách ly xã hội. Người dân ở đây vốn đã quen đeo khẩu trang từ lâu thì bây giờ họ còn đeo chúng thường xuyên hơn nữa”.
Chị Emanuela cũng cho biết thêm, trong thời gian cách ly xã hội ở Việt Nam, chị thường chạy bộ tới cửa hàng tạp hóa. Khi trở về nhà, chị dành thời gian để làm việc nhà, đọc sách, tập yoga, hoàn thành khóa học tiếng Nga,… Ngoài ra, chị dành khoảng thời gian cuối tuần để uống rượu và ngủ nhiều hơn.