Jan Koum là một tỷ phú Mỹ gốc Ukraine. Trước khi WhatsApp được Facebook mua lại, anh là đồng sở hữu của công ty. Koum xếp hạng 62 trong danh sách 400 người Mỹ giàu nhất năm 2014 của Forbes, với giá trị tài sản ròng hơn 7,5 tỷ USD. Tính đến tháng 8/2020, tài sản ròng của anh ước tính 10 tỷ USD.
Khi nhập cư đến Mỹ, dù đối mặt với cuộc sống nghèo khó cùng cực, phải sống dựa vào tiền trợ cấp nhưng cuối nhờ tài năng và nỗ lực, Koum đã có thể xây dựng lên một công ty trị giá hàng tỷ USD trong vòng 5 năm.
Jan Koum là người gốc Do Thái, sinh năm 1976 trong một gia đình nghèo ở ngoại ô Kiev, thủ đô Ukraine. Bố của Koum làm quản lý xây dựng bệnh viện và trường học, còn mẹ làm nội trợ.
Năm 16 tuổi, Koum cùng mẹ và bà chuyển đến Mỹ để bắt đầu một chương mới. Nhưng cuộc sống của họ ở Mountain View, California, không hề dễ dàng chút nào. Còn cha của Koum có kế hoạch sang Mỹ đoàn tụ cùng gia đình nhưng không thành khi ông mắc bệnh và qua đời tại quê nhà.
Mọi chuyện tồi tệ ngay từ khi Koum sang Mỹ, mẹ của Koum bị chẩn đoán mắc đoán ung thư. Để trang trải cuộc sống, hai mẹ con phải sống dựa vào sự trợ giúp của liên bang gồm phúc lợi, phiếu thực phẩm và nhà ở của chính phủ. Tại trường trung học, Koum không có nhiều bạn bè và bị xem là học sinh cá biệt. Anh suýt nữa không đỗ tốt nghiệp vì học hành chểnh mảng.
Đứng trước hoàn cảnh ấy, Koum ngay từ đầu đã chứng minh anh là một người tự lập và học hỏi nhanh, không ngại làm việc khó. Thiếu niên Koum lúc bấy giờ kiếm thêm thu nhập bằng cách làm công việc bảo vệ tại một cửa hàng tạp hóa.
Hai năm sau khi nhập cư đến Mỹ, Koum đã tự học lập trình máy tính. Anh cũng được đào tạo thực hành về an ninh mạng bằng cách tham gia nhóm hack ưu tú w00w00. “Những ngày đầu tôi đã rất vui khi học về mạng, bảo mật, khả năng mở rộng và những thứ thú vị khác", anh giải thích với Reuters.
Đây là lúc anh phát hiện ra niềm đam mê lập trình của mình và đăng ký theo học tại Đại học San Jose. Ngoài ra, anh còn bắt đầu công việc cho công ty kiểm toán Ernst & Young. Sau khi làm việc ở đó khoảng 6 tháng, Jan có một cơ hội đổi đời khi được thuê làm kỹ sư cơ sở hạ tầng tại Yahoo!. Khi đó Koum vẫn còn là sinh viên.
Trong thời gian làm việc tại Yahoo!, anh gặp đối tác kinh doanh tương lai - người đồng sáng lập WhatsApp sau này: Brian Acton. Halloween năm 2007, cả hai nghỉ việc. Koum chia tay Yahoo! sau gần 10 năm. Koum cùng Acton dành thời gian gần một năm đi du lịch Nam Mỹ để tìm kiếm nguồn cảm hứng mới.
Khi trở về, Koum và Acton tìm việc làm tại Facebook, nhưng đều bị từ chối. Trớ trêu thay, họ không hay biết rằng trong vài năm sau đó, Facebook sẽ đến gõ cửa nhà họ, làm tăng giá trị tài sản ròng của hai người lên hàng tỷ USD.
Khi Koum mua một chiếc iPhone, anh chợt nhận ra tiềm năng của App Store và bắt đầu viết mã cho một ứng dụng mới giúp dễ dàng giao tiếp và tương tác. Koum thất vọng vì không thể vận hành nó và có ý định từ bỏ. Nhưng nán lại lâu hơn với ý tưởng của mình để rồi tháng 2/2009, ở tuổi 33, anh đồng sáng lập WhatsApp với người đồng nghiệp Acton.
Ứng dụng WhatsApp thuở ban đầu khác xa so với ngày nay khi chỉ đơn giản là một nền tảng cập nhật trạng thái người dùng trên điện thoại.
Một số người dùng đã tải xuống phiên bản ban đầu và sử dụng nó để chia sẻ các trạng thái, các trạng thái này sẽ được gửi đến danh bạ. Điều này sau dần phát triển thành một hình thức giao tiếp, khi mọi người bắt đầu trò chuyện qua các trạng thái trong một tùy chọn "trả lời". Chẳng bao lâu, nó trở thành một nền tảng nhắn được ưa chuộng trên thế giới.
WhatsApp phát triển cực nhanh khi áp dụng miễn phí, với 10.000 lượt tải xuống mỗi ngày. Đến cuối năm 2009, WhatsApp quyết định thu phí, bằng cách định kỳ thay đổi trạng thái ứng dụng từ "miễn phí" sang "thu phí" và kiếm khoảng 5.000 USD mỗi tháng vào năm 2010. Ngoài ra, WhatsApp nâng cấp ứng dụng cho iPhone với chức năng gửi ảnh khiến người dùng điện thoại vô cùng ưng ý dù bị thu phí 1 USD. Mức phí này dẫu sao cũng rẻ hơn chi phí nhắn tin SMS, nhất là với những tin nhắn quốc tế hoặc có đính kèm hình ảnh, video.
Với thành công này, công ty bắt đầu tìm kiếm các nhà đầu tư có thể giúp dịch vụ nhắn tin của họ mở rộng quy mô. Tháng 10 năm đó, Acton đã mời một số đồng nghiệp cũ tại Yahoo! đầu tư 250.000 USD vào công việc kinh doanh. Trong khi Acton xử lý các mối quan hệ kinh doanh, Koum vẫn tiếp tục cải tiến ứng dụng và làm cho nó hoạt động hiệu quả đối với nhiều người dùng hơn.
Koum từng chia sẻ: “Tôi chỉ có một ý tưởng, đó là WhatsApp và tôi sẽ tiếp tục tập trung vào đó. Tôi không có kế hoạch xây dựng bất kỳ ý tưởng nào khác ”.
Sự bền bỉ, cống hiến và chăm chỉ của Koum và người bạn đồng sáng lập đã được đền đáp. Năm 2011, WhatsApp lọt vào danh sách Top 20 ứng dụng phổ biến nhất trên Apple Store năm 2011. Đến tháng 2/2013, cả hai quyết định tổ chức cuộc gọi vốn lần hai trong bí mật và có nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn 50 triệu USD, nâng giá trị WhatsApp lên 1,5 tỷ USD.
Bộ đôi sáng lập WhatsApp luôn nghiêm túc muốn xây dựng công ty theo tiêu chí: Không quảng cáo. WhatsApp cũng không thu thập thông tin cá nhân như tên tuổi, giới tính, địa chỉ hay tuổi tác người dùng. “Chúng tôi muốn biết càng ít thông tin của người dùng càng tốt. Chúng tôi không chạy quảng cáo nên không cần những dữ liệu cá nhân” , Koum nói. Trên thực tế, điểm đặc biệt này đóng một vai trò quan trọng trong lý do khiến họ rời bỏ công ty nhiều năm sau đó.
Năm 2012, WhatsApp lọt vào tầm ngắm của Facebook. CEO Mark Zuckerberg đã gọi điện thoại cho Koum. Hai người sau đó đi uống cà phê và cùng leo núi. Trong suốt hai năm, họ luôn giữ liên lạc, thường xuyên leo núi và trò chuyện về chủ đề kết nối thế giới.
Tháng 2/2014, Zuckerberg mời Koum ăn tối và đưa ra đề nghị mua lại WhatsApp ngay trên bàn ăn. Facebook đã định giá và tiến hành thu mua WhatsApp với tổng giá trị hợp đồng lên đến 19 tỷ USD. Thương vụ này đã biến Koum và Acton thành tỷ phú.
Tuy nhiên, sau một vài năm hợp tác với Facebook, cả hai rời đi do các vấn đề liên quan đến quảng cáo và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.