Ngày nay, nhiều học sinh đã được bố mẹ cho phép sử dụng điện thoại với mục đích để tiện liên lạc với con cái. Tuy nhiên, nhiều học sinh lại quá lạm dụng điện thoại, thậm chí sử dụng điện thoại để chơi game, lướt web ngay trong giờ học. Để đối phó với tình trạng này, các thầy cô giáo từng đưa ra nhiều giải pháp khác nhau như hạ hành kiểm, tịch thu điện thoại trong một thời gian,… nhưng có lẽ do hình phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe nên tình trạng này vẫn tiếp tục tiếp diễn trong trường học.
Vì vậy, một số giáo viên đã đưa ra hình phạt nặng tay hơn, đó là phá điện thoại của học sinh phạm lỗi ngay trước mặt các em cũng như toàn trường. Mới đây, một trường học ở Trung Quốc đã áp dụng theo cách này và tạo được hiệu ứng khá tốt.
Video: Học sinh tự đập vỡ điện thoại
Đoạn video do trang Shanghaiist đăng tải vào ngày 25/4 cho thấy, các học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học lần lượt phải tiến lên phía trước, tự tay “hành quyết” “dế yêu” của mình. Các cậu học trò phải bỏ điện thoại của mình ra, dùng búa đập vỡ điện thoại ngay toàn thể các học sinh khác trong trường.
Chắc chắn rằng khi phải tự tay đập điện thoại của mình, các cậu học trò sẽ rất đau lòng và không nỡ đập mạnh. Tuy nhiên, một thầy giáo đứng bên cạnh liên tiếp theo dõi hành động của các học sinh, yêu cầu đập mạnh khi thấy lực đập quá nhẹ. “Đập mạnh lên. Dùng sức đi“, thầy giáo nói.
Với hình phạt này của nhà trường, các học sinh phạm lỗi chắc chắn sẽ thấm thía việc dùng điện thoại trong giờ học sẽ có kết cục như thế nào. Không chỉ vậy, hình phạt còn có tính răn đe, dập tắt ý định của những cô cậu học trò về việc sử dụng điện thoại trong lớp.
Đoạn video sau khi đăng tải đã nhanh chóng được cư dân mạng quan tâm và thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Một số đồng tình với cách làm của nhà trường nhưng một số khác lại cho rằng phương pháp này quá nghiêm khắc, không nên thực hiện: “Quả thật là diệu kế. Một mũi tên trúng hai đích, vừa phạt được các học sinh phạm lỗi, vừa có thể răn đe được các học sinh khác“,
“Các nhà trường nên áp dụng hình phạt này một cách rộng rãi để các em không thể sử dụng điện thoại, làm việc riêng trong giờ học được nữa“, “Việc này không tốt chút nào. Mục đích tốt nhưng cách làm không hợp lý“, “Nhà trường bắt học sinh đập điện thoại như vậy thì chỉ khiến cha mẹ của các em phải tốn tiền, thậm chí là bán thận để mua điện thoại mới thôi“, “Nếu là tôi, tôi sẽ mượn điện thoại của bạn bên cạnh để sử dụng“,…