COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của người dân khắp thế giới suốt 6 tháng qua kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố là đại dịch.
Trong khi con người ngày càng hiểu hơn đôi chút về dịch bệnh mới kể từ khi nó được phát hiện lần đầu ở Trung Quốc vào năm ngoái, chuyện gì sẽ xảy ra trong nửa năm tới vẫn còn là ẩn số.
Làn sóng COVID-19 thứ 2 ở châu Âu
Tại châu Âu, nơi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt kết thúc trước kỳ nghỉ hè đang giúp thúc đẩy các nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, việc mở cửa trở lại các trường học và văn phòng khiến tỷ lệ lây nhiễm gia tăng, đặc biệt là ở Tây Ban Nha, Pháp và Anh.
Mặc dù hiện nay hoạt động xét nghiệm đã phổ biến hơn nhưng số lượng ca lây nhiễm mới hàng ngày thấp hơn nhiều so với hồi tháng 3 và tháng 4, trước khi lệnh phong tỏa được áp dụng.
Hầu hết các trường hợp mắc mới được ghi nhận ở những người trẻ tuổi với ít triệu chứng, nhưng nhiều chuyên gia lo ngại việc virus lây lan trở lại ở nhóm người già và người có sức khỏe kém chỉ còn là vấn đề thời gian.
Phó giám đốc y tế của Anh, Tiến sĩ Jonathan Van-Tam, cho biết mọi người đã mất cảnh giác trước cuộc chiến chống COVID-19 trong mùa hè. “Chúng ta phải bắt đầu xem xét điều này một cách rất nghiêm túc một lần nữa", ông nói, đồng thời cảnh báo nếu không nước Anh sẽ có 'một chặng đường gập ghềnh trong vài tháng tới".
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cũng cho biết trong tuần này, xu hướng các ca nhiễm COVID-19 tăng là "đáng lo ngại".
Vẫn còn bị ám ảnh bởi làn sóng đầu tiên, nhiều bác sĩ lo ngại các bệnh viện và khu chăm sóc đặc biệt có thể sẽ bị quá tải trong những tháng tới, giống như đợt vào mùa xuân.
Tái nhiễm và miễn dịch
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy những người tái nhiễm virus là đối tượng phục hồi sau đợt COVID-19 trước đó.
Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng con người phát triển khả năng miễn dịch lâu dài đối với căn bệnh này, dù thông qua nhiễm bệnh hoặc tiêm.
Người tái nhiễm đầu tiên được xác nhận là một cư dân Hong Kong, 33 tuổi. Người này cho kết quả dương tính trong một cuộc kiểm tra sàng lọc tại sân bay 4 tháng rưỡi sau khi hồi phục. Anh ta không có triệu chứng vào lần nhiễm thứ hai. Các chuyên gia trước đó kỳ vọng hệ thống miễn dịch của người nhiễm COVID-19 như trường hợp của người đàn ông này đã học được cách tự bảo vệ nhưng thực tế không như vậy.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cảnh báo rất khó để đưa ra kết luận khi chỉ dựa trên một số ít ca tái nhiễm trong hàng triệu người đã nhiễm virus.
Khả năng miễn dịch của con người trước COVID-19 vẫn chưa được hiểu rõ. Trong khi giới khoa học phần lớn tập trung vào các kháng thể, giúp chống lại nhiễm trùng, họ cũng quan tâm đến cách tế bào lympho T - một loại tế bào bạch cầu - có thể xây dựng "trí nhớ miễn dịch".
Nhưng cách các tế bào này hoạt động chống lại COVID-19 vẫn còn rất mơ hồ.
Trẻ em và COVID-19
Khi trẻ em ở nhiều quốc gia trên thế giới quay trở lại trường học, người ta chưa rõ động thái này sẽ tác động thế nào tới việc lây lan virus corona.
Trẻ nhỏ nhiễm COVID-19 rất hiếm khi rơi vào tình trạng nặng, với hầu hết các triệu chứng là nhẹ hoặc không có triệu chứng. Nhưng trẻ em vẫn có thể là vật trung gian truyền bệnh?
"Khi có triệu chứng, trẻ em phát tán virus với số lượng tương tự như người lớn và có thể lây nhiễm sang người khác theo cách tương tự", Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Âu cho biết. "Không biết những trẻ không có triệu chứng lây nhiễm như thế nào."
Một số nghiên cứu cho thấy, trẻ em ít có khả năng lây truyền bệnh hơn, có lẽ vì với ít triệu chứng hơn, chúng sẽ không bị ho hoặc hắt hơi, điều này làm tăng nguy cơ lây lan virus.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cần có sự phân biệt giữa trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, những đối tượng có vẻ dễ lây lan như người lớn.
Tính an toàn của vaccine
Thế giới đang chạy đua phát triển một loại vaccine an toàn, hiệu quả và tuần này, WHO đã liệt kê 35 ứng viên vaccine đang trải qua các thử nghiệm lâm sàng ở người trên khắp thế giới.
9 trong số chúng đã ở hoặc chuẩn bị cho giai đoạn cuối cùng - được gọi là giai đoạn 3 - đòi hỏi sự tham gia của hàng nghìn tình nguyện viên để đo lường hiệu quả trên quy mô lớn.
Các siêu cường như Mỹ, Nga và Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình này với nỗ lực trở thành những nước đầu tiên có vaccine, thậm chí trước cuối năm nay. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến khích các nước cần có sự kiên nhẫn, đồng thời cảnh báo tốc độ phát triển vaccine không nên ảnh hưởng đến tính an toàn hoặc niềm tin của công chúng.
Như một ví dụ về sự cần thiết phải thận trọng, gã khổng lồ dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford đã "tạm dừng" thử nghiệm vaccine của họ sau khi một tình nguyện viên phát bệnh không rõ nguyên nhân.
Cơ quan Thuốc Châu Âu nhận định thế giới có thể phải chờ tới đầu năm sau mới có một loại vaccine hiệu quả chống COVID-19. Trong khi WHO cho biết có thể mất đến giữa năm 2021 việc tiêm chủng mới diễn ra quy mô rộng rãi.
Trong trường hợp xấu nhất, có thể thế giới không tìm ra được vaccine phòng COVID-19.
Cuộc chiến khẩu trang
Ở nhiều nơi, khẩu trang, từ một vật dụng được coi là không cần thiết, trở thành một phần bắt buộc. Nhiều người chưa quen với điều này.
Sự thay đổi trong khuyến cáo của các cơ quan y tế, bao gồm cả WHO, được thúc đẩy bởi số lượng các nghiên cứu ngày càng tăng về cách thức lây lan của COVID-19.
Những nghiên cứu này cho thấy virus không chỉ có trong những giọt bắn lớn có thể làm bẩn tay mà còn có trong những giọt bắn nhỏ do bệnh nhân thở ra làm đọng lại trong không khí (còn gọi là sol khí).
Vai trò chính xác của phương thức lây truyền này trong đại dịch vẫn chưa được biết rõ, nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng nó có thể rất đáng kể.
Nếu đúng như vậy, giữ khoảng cách xã hội gần như không đủ để bảo vệ mọi người khỏi bị lây nhiễm.
Không gian trong nhà đông đúc, kém thông gió được coi là kéo theo nguy cơ lây nhiễm virus cao nhất, mặc dù một số quốc gia cũng áp dụng lệnh bắt buộc đeo khẩu trang trên đường phố.
Những lựa chọn trong điều trị
Chỉ có một vài loại thuốc đã được chứng minh trong các thử nghiệm lâm sàng để giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân nhiễm COVID-19: corticosteroid, chống viêm. Nhưng những cách này cũng chỉ được khuyến cáo dùng cho những ca bệnh nặng nhất.
Thuốc kháng virus, remdesivir, được chứng minh là làm giảm thời gian nằm viện, nhưng lợi ích của nó là tương đối khiêm tốn.
Cuối cùng, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump hết lời ca ngợi, thuốc hydroxychloroquine (thường dùng trong điều trị sốt rét) đã được chứng minh là không hiệu quả đối với bệnh nhân COVID-19.