Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Chó trung thành với chủ do gene hay yếu tố nào khác?

Chúng ta đều biết chó là loài vật trung thành với con người, song lý do đằng sau việc này thì không phải ai cũng hiểu rõ.

Trong vụ khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ, một nhân viên mù làm việc tại một trong hai tòa tháp đôi may mắn thoát nạn nhờ chú chó dẫn đường giúp chủ nhân đi xuống cầu thang thoát hiểm trước khi tòa tháp đổ sụp.

Hay ở Nhật Bản, chú chó Hachiko cũng trở nên nổi tiếng bởi lòng trung thành với người chủ, một giáo sư hàng ngày đi làm bằng tàu hỏa. Mỗi ngày, Hachiko đều đến nhà ga và đợi giáo sư chỉ để đi cùng ông về nhà. Khi vị giáo sư qua đời, Hachiko ngày nào cũng quay lại điểm hẹn trong suốt 11 năm để được gặp ông chủ. Để nhớ về lòng trung thành của Hachiko, người Nhật đã dựng một bức tượng của nó tại nhà ga.

Những câu chuyện này đều cho thấy sự trung thành của loài chó với con người. Vậy lý do gì khiến người bạn đồng hành đặc biệt này tỏ ra như thế?

Gene di truyền

Một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí khoa học Science Advances vào tháng 7/2017 chứng minh gene của loài chó khiến chúng đặc biệt thuần chủng và có những hành vi mang thiên hướng xã hội. Tóm lại, các nhà khoa học cho rằng đột biến gene khiến chó luôn trong trạng thái phát triển như của trẻ con. Chúng luôn tìm kiếm sự tiếp xúc và chú ý.

Chó trung thành với con người một phần do gene di truyền?

“Nghiên cứu cho chúng ta thấy một cơ chế phân tử có thể ảnh hưởng đến hành vi xã hội của chó, ví dụ như sự thân thiện hay lòng trung thành”, Bridgett vonHoldt, nhà sinh học đến từ Đại học Princeton (Mỹ), cho biết.

Bằng cách phân tích mẫu ADN của nhiều loại chó và chó sói, Bridgett vonHoldt và Monique Udell, nhà khoa học đến từ đại học Oregon, xác định được 4 đột biến quyết định đến hành vi xã hội của loài chó. Cụ thể, họ phát hiện đột biến trong gene WBSCR17 và hai gene phiên mã.

“Chúng tôi nhận thấy những đột biến này thường xảy ra ở nhiều quần thể và giống, giúp gợi mở về vai trò của chúng trong sự thay đổi tính cách”, vonHoldt nói.

Ở con người, khi các gene này bị xóa khỏi một trong hai nhiễm sắc thể, nó dẫn tới hội chứng có tên là Williams-Beuren. Hội chứng này bao gồm sự phát triển xã hội và các hành vi thân thiện quá mức.

Ngoài ra, theo trang Doghealth, những đặc điểm hành vi bẩm sinh của chó như yêu thương vô điều kiện, thích gần gũi con người hay đồng hồ sinh học giống con người,… đặc biệt ở một số giống, khiến chúng trở thành bạn đồng hành trung thành của con người.

Chúng ta cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển và nuôi dưỡng lòng trung thành của loài chó. Những giao tiếp phi ngôn ngữ đầy yêu thương của chó được con người đánh giá là chân thành và họ đáp lại bằng cách bày tỏ sự thích thú. Qua đó, củng cố mối quan hệ về sự trung thành giữa hai bên.

Tập tính bầy đàn

Chó là loài có tập tính bầy đàn. Ảnh minh họa

Sự trung thành cũng chỉ là một hành vi tự nhiên của loài chó. Chó là động vật sống bầy đàn, đồng nghĩa với việc chúng là những sinh vật có thiên hướng xã hội, thích sự đồng hành của các động vật khác. Hành vi này cũng là một cơ chế để sinh tồn trong tự nhiên. Các bầy đàn tồn tại là nhờ các thành viên trong bầy biết dựa vào nhau để sống.

Nhiều nhà huấn luyện và chuyên gia động vật tin rằng tâm lý bầy đàn cũng là nguyên nhân khiến chó trung thành với con người. Họ cho rằng chó coi con người như là những thành viên trong bầy đàn của chúng. Vì vậy, chó không chỉ thích cưng nựng mà chúng còn nghĩ sự trung thành giúp chúng tồn tại.

Thực tế ở các buổi huấn luyện vâng lời, bạn thường thấy huấn luyện viên thường nói với người chủ rằng bạn phải làm mọi cách để khẳng định mình là con đầu đàn. Khi chó của bạn biết điều đó, nó sẽ nghe theo chỉ dẫn của bạn.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Inverse

Được quan tâm

Tin mới nhất
6 tính năng nâng cao bảo mật tuyệt đối của iPhone 16