Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Chi tiết vụ ám sát Tổng thống Tổng thống John F. Kennedy ám ảnh cựu mật vụ Mỹ tới lúc chết

Nhân kỷ niệm 55 năm ngày được cho là đen tối nhất lịch sử nước Mỹ khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát, cựu mật vụ Clint Hill - người đầu tiên tiếp cận xe Tổng thống lúc vụ việc xảy ra - hé lộ những chi tiết ám ảnh ông tới tận lúc chết.

8 giây đen tối và nỗi ám ảnh suốt đời

Theo The Sun, 8 giây ngày 22/11/1963 là khoảng thời gian gây chấn động nước Mỹ và thế giới. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, kẻ ám sát Lee Harvey Oswald, cựu lính hải quân, ló ra từ cửa sổ ở tầng 6 một tòa nhà và bóp cò súng đúng 3 lần.

Viên đạn đầu tiên trúng cổ Tổng thống Kennedy. Ngay lúc ấy, mật vụ Clint Hill là người đầu tiên phản ứng trước sự việc. Ông nhảy khỏi xe và lao về phía chiếc limousine của tổng thống.

Không màng tới sự an nguy của bản thân, Clint nhảy lên phần sau của chiếc xe đang tăng tốc, cố tạo thành một lá chắn sống để bảo vệ Tổng thống Kennedy và phu nhân Jackie.

Tuy nhiên, mật vụ Mỹ đã chậm một giây. Trước khi Clint kịp lao lên làm lá chắn sống, một viên đạn khác đã nhắm trúng đầu Tổng thống khiến hộp sọ vỡ nát, máu và não bắn tung tóe khắp xe.

Mật vụ Mỹ làm lá chắn sống cho Tổng thống Kenedy và phu nhân trong vụ ám sát ngày 22/11/1963. Ảnh: Boston.com

Trong sự hỗn loạn và kinh hoàng của vụ ám sát, lòng dũng cảm của Clint nổi bật hơn cả. Cảnh quay sự việc cách đây 55 năm cho thấy, cựu mật vụ Mỹ nhanh như cắt lao lên làm lá chắn trên chiếc limousine của tổng thống. Jackie, Đệ nhất phu nhân Mỹ khi ấy, hoảng loạn nắm lấy cánh tay Clint như cầu cứu.

“Thời điểm đó, tôi không nghĩ mình có thể bị giết hoặc không thể gặp lại các con. Tôi không có thời gian để làm điều đó. Việc cần làm nhất khi ấy là tạo thành lá chắn, bảo vệ Tổng thống Kennedy bằng mọi giá”, Clint nhớ lại.

Chia sẻ với The Sun nhân kỷ niệm 55 năm ngày xảy ra vụ ám sát Tổng thống Kennedy, Clint nay đã 86 tuổi cho biết nỗi ám ảnh khi ông không thể nào quên hình ảnh gây sốc và quá khủng khiếp trong giây phút cuối cùng của Tổng thống.

“Một điều tôi không thể nào xóa khỏi tâm trí mình đó là lúc tôi ở phần sau của chiếc limousine và nhìn xuống Tổng thống Kennedy. Ông gục trong lòng phu nhân. Nửa mặt phải hướng lên và tôi thấy mắt ông bất động. Vết đạn khá rõ. Máu và não vương khắp nơi. Và như đã nói, tôi không bao giờ quên được hình ảnh đó”, Clint trải lòng.

Cho tới tận hôm nay, cựu mật vụ Mỹ vẫn luôn đổ lỗi cho chính mình vì cái chết của Tổng thống. Clint cho rằng “ông có thể nhanh hơn” và sự việc có lẽ đã khác.

“Tôi nghĩ mình có thể nhanh hơn. Nếu nhanh hơn chút nữa, tôi đã ngăn được phát đạn chí mạng cho Tổng thống và sẽ không phải áy náy đến tận bây giờ. Trách nhiệm của tôi là bảo vệ họ và tôi đã thất bại ngày hôm đó”, cựu mật vụ Mỹ chia sẻ.

Clint cho rằng nếu ông che chắn nhanh hơn cho Tổng thống Kenedy và phu nhân, mọi chuyện có thể đã khác. Ảnh: Alamy

Rối loạn tâm lý, ác mộng và men rượu

Những ngày sau vụ ám sát, Clint không có thời gian để cân bằng cảm xúc. Ông phải nén mọi thứ lại khi được giao nhiệm vụ đưa thi hài Tổng thống Kennedy tới bệnh viện tưởng niệm Parkland ở thành phố Dallas, bang Texas và mua một chiếc quan tài để chuyển thi hài về Nhà Trắng.

Sau đó, Clint tiếp tục được giao nhiệm vụ bảo vệ phu nhân Jackie Kennedy trước khi chuyển tới bảo vệ người kế nhiệm Tổng thống Lyndon Johnson.

Nhưng sau khi ông nghỉ hưu vào năm 1975, những sang chấn về tâm lý bắt đầu ập tới.

Hình ảnh Tổng thống Kennedy trong vụ ám sát ám ảnh Clint suốt một thời gian dài. Ảnh: Michael Collopy

Những người lính trong vùng chiến tranh hiếm khi chứng kiến cảnh chết chóc khủng khiếp đến thế nên không có gì lạ khi Clint bị chấn động.

Hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) khiến cựu mật vụ Mỹ luôn gặp ác mộng và sống tách biệt suốt 6 năm. Clint cắt mọi liên lạc với bạn bè và gia đình. Ông hiếm khi gặp mọi người trừ vợ và 2 con trong giai đoạn năm 1976-1982.

“Tôi uống rượu để quên đi những ký ức ám ảnh đó. Tôi không quan tâm tới thứ gì và cũng chẳng muốn gặp bất kỳ ai”, cựu mật vụ Mỹ nói.

Ánh sáng cuối đường hầm

Đó là thời điểm năm 1982 khi Clint nhận ra ông phải quay trở lại với cuộc sống.

Một người bạn là bác sĩ cảnh báo cựu mật vụ Mỹ rằng ông sẽ chết sớm nếu không nghiêm túc thay đổi phong cách sống.

“Tôi quyết định phải thay đổi. Tôi muốn được sống hạnh phúc với gia đình. Tôi bỏ rượu, thuốc lá và bắt đầu làm việc. Dần dần, tôi cảm thấy tốt hơn. Năm 1990, tôi quay lại Dallas và đi trên con phố ở Dealey Plaza - nơi xảy ra vụ ám sát. Nhìn thẳng vào khung cửa sổ, nơi kẻ ám sát đứng đó và ngắm bắn, tôi quay đi và hiểu rằng mình đã làm tất cả có thể vào ngày hôm đó”, Clint chia sẻ với The Sun.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết The Sun

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tín hiệu vui của Hoài Linh
Ngọc Trinh đã trưởng thành?