Năm 2014, Gigi Wu, tay leo núi nhiều kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc), đăng bức ảnh cô đứng một mình trên một đỉnh núi cao phủ tuyết, chỉ mặc mỗi bộ bikini trên người. Những bức ảnh ấn tượng và quyến rũ như thế giúp cô nổi tiếng gần như ngay lập tức. Trong 4 năm tiếp đó, Wu tự chụp ảnh trên hơn 100 đỉnh núi ấn tượng nhất ở châu Á, luôn chỉ mặc bikini.
Rồi tháng 1-2019, cô bắt đầu hành trình định mệnh, một mình tìm cách chinh phục hàng loạt đỉnh núi cao hơn 3.000m ở công viên quốc gia Ngọc Sơn (Đài Loan, Trung Quốc). Trong quá trình đó, Wu, 36 tuổi, ngã xuống từ độ cao hơn 20m ở một vùng hoang vu. Cô liên lạc với bạn bè qua điện thoại vệ tinh và nói không thể di chuyển được phần thân dưới. Bạn cô tức tốc báo cho nhà chức trách.
Nhưng thời tiết xấu và nhiệt độ xuống dưới không. Sau vài nỗ lực giải cứu thất bại bằng trực thăng, các nhân viên cứu hộ quyết định đi tới tận nơi. Wu, vẫn còn mặc nguyên quần áo, quấn chặt mình trong chiếc mền khẩn cấp và cố gắng không làm mất nước, cô cũng ghi lại mấy lời trăng trối cho người thân trong cuốn sổ tay của mình, theo kênh truyền hình Hong Kong TVB.
Mất 43 tiếng, đội cứu hộ mới tới được chỗ Wu. Tới lúc đó, cô đã chết vì sốt quá cao hoặc tổn thương nội tạng, hoặc cả hai. Mấy ngày sau, tài khoản Facebook và Instagram của Wu bị xóa, thay bằng một trang tưởng niệm.
Killfie
Cái chết bi thảm của Wu chỉ là trường hợp mới nhất trong những vụ tử vong vì selfie, điều phổ biến tới mức giới nghiên cứu xã hội học đã nghĩ ra cả một từ mới “killfie” (chết vì selfie) để gọi những cái chết như thế. Không ít người nổi tiếng như Wu đã là nạn nhân. Ca sĩ nhạc rap người Canada Jon James McMurray bỏ mạng vào tháng 10-2018 sau khi leo lên cánh một chiếc máy bay Cessna để quay video ca nhạc.
Cũng tháng 10-2018, cặp đôi blogger du lịch nổi tiếng thế giới người Ấn Độ Meenakshi Moorthy và Vishnu Viswanath có lẽ đã ngã khi chụp ảnh selfie ở đỉnh đá Taft Point, công viên quốc gia Yosemite, Hoa Kỳ (khoảng cách với mặt đất là hơn 240m). Tháng 9, Tomar Frankfurter, thanh niên 18 tuổi người Israel, ngã xuống tử vong khi đang chụp ảnh selfie ở thác nước Nevada, cũng ở Yosemite.
Tháng 7, 3 ngôi sao của chương trình du lịch YouTube ăn khách High on Life ngã xuống tử vong từ một thác nước gần Squamish, British Columbia, Canada. Cuối tháng 4, một người đàn ông người Macau ngã từ độ cao hơn 300m xuống chết ngay lập tức khi đang định chụp ảnh selfie trên một rìa đá của Đại Vực, Mỹ.
Ngoài ra, còn hàng trăm người khác bạn có lẽ chưa bao giờ nghe nói tới đã chết vì tìm cách chụp bức ảnh hoàn hảo ở những nơi hung hiểm và hàng nghìn trường hợp suýt chết. Các bức hình selfie cũng là nguyên nhân gây ra một vụ tai nạn liên hoàn ở giải đua xe đạp nổi tiếng thế giới Tour de France và có thể đã góp phần gây ra vụ tai nạn máy bay ở thành phố New York vào tháng 3-2018.
Theo tờ New York Times, viên phi công, người duy nhất sống sót trên máy bay, báo cáo lại với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ rằng vụ tai nạn xảy ra vì một hành khách tìm cách chụp ảnh chân anh ta giơ ra khỏi cửa sổ máy bay rồi trong khi làm việc đó, có thể vô tình nhấn vào nút ngắt nguồn nhiên liệu khẩn cấp. Cả 5 hành khách trên máy bay thiệt mạng.
Những bình luận về các vụ việc như thế, nhất là trên mạng xã hội, thật dễ hiểu, chủ yếu là “ngu xuẩn khó tin”, “phê cần hả?!”, “quá ám ảnh với bản thân”… Trong trường hợp của cặp đôi người Ấn Moorthy và Viswanath chẳng hạn, khi cảnh sát công bố hồ sơ khám nghiệm pháp y cho thấy họ “có rượu trong cơ thể trước khi chết”, Internet đã ngay lập tức nhảy vào phán xét: “tự yêu bản thân thái quá!”, “ngu ngốc!”. Mạng xã hội không đếm xỉa gì tới thực tế là bên pháp y đã nói rõ không thể xác định được lượng cồn trong người họ.
Khoa học nói gì?
Các nghiên cứu khoa học cũng không ủng hộ quan điểm cho rằng các vụ chết do selfie là ngu ngốc hay ám ảnh với bản thân. Một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí Y Khoa Và Chăm Sóc Y Tế Cơ Bản Cho Gia Đình thấy rằng trong 259 vụ chết do selfie được ghi nhận từ năm 2011 đến 2017, hơn 1/4 là các trường hợp mà tác giả nghiên cứu gọi là “hành vi không nguy hiểm”. Tính toán kỹ hơn thì hầu hết ca tử vong với nam giới là do hành vi nguy hiểm, trong khi hơn một nửa phụ nữ chết vì selfie là trong những tình huống được coi là “không nguy hiểm”.
Sarah Diefenbach là giáo sư tâm lý học tiêu dùng ở Đại học Ludwig-Maximilians, Munich, Đức và là tác giả chính nghiên cứu năm 2017 nhan đề Nghịch lý selfie. Bà nói người ta chụp ảnh selfie vì đủ kiểu lý do: để liên lạc với người ta yêu mến, để củng cố lòng tự tôn, để chăm sóc hình ảnh bản thân, để ghi lại lịch sử cá nhân và ngày càng phổ biến là để xây dựng thương hiệu bản thân. Theo giáo sư Diefenbach, khát khao kiểm soát hình ảnh của mình trong mắt cộng đồng là điều không có gì mới, thực ra nó có trong mã di truyền của chúng ta.
Loài người là một giống hoạt động xã hội cao độ. Chúng ta có thời thơ ấu dài hơn nhiều so với hầu hết các loài có vú và có nguyên nhân cho điều đấy: chúng ta cần thời gian để tìm ra cách hòa nhập với nền văn hóa của mình và khẳng định một bản ngã. “Tự bày tỏ mình luôn là một nhu cầu cơ bản” - Diefenbach giải thích.
Will Storr, tác giả cuốn sách in năm 2017 Selfie: Phương Tây đã trở nên ám ảnh thế nào, nhất trí với nhận xét đó. Trước thời có máy ảnh, theo Storr, giới quý tộc thuê họa sĩ vẽ tranh chân dung họ và gia đình, những nhà thám hiểm mang theo hình ảnh người yêu thương và từ năm 1925, người ta đã xếp hàng trước các buồng chụp ảnh. Thôi thúc này chỉ ngày càng gia tăng và mở rộng cùng thời đại số.
Giới tâm lý học thì có một góc nhìn khác, họ muốn trả lời câu hỏi điều gì xảy ra trong não bộ khi ta chụp một bức ảnh selfie. Họ gọi đó là “Hội chứng chú ý có chọn lọc” hay “Chứng mù vô ý”. Về cơ bản, não bộ không thể xử lý mọi kích.thích cùng lúc, nên nó phải lựa chọn ưu tiên cho cái gì và bỏ qua cái gì.
Sự chú ý của chúng ta khi chụp ảnh selfie dồn hết vào máy chụp ảnh và pô ảnh, chứ không phải những gì ở dưới chân và xung quanh ta. Chúng ta thực sự không hề hay biết mình đã bước tới rìa một vực thẳm hay thác nước.
Nhưng còn những người cố tình mạo hiểm mạng sống để có cho được một bức hình selfie như ý thì sao? Storr nói vấn đề cũng nằm ở chỗ việc chụp ảnh ở những chỗ hung hiểm ngày nay đã dễ dàng hơn rất nhiều. Cuối những năm 1970, không tới 80 người từng lên được đỉnh Everest.
Tới năm 1990, con số đó tăng gấp 3 lần. Năm 2018, hàng mấy trăm người đã lên được đỉnh núi. Storr giải thích rằng sự gia tăng như thế là vì hiếm có cách nào rõ ràng và ấn tượng hơn để khẳng định sự nổi bật của mình so với việc chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới, nhưng đồng thời ngày nay chuyện đó coi như chưa xảy ra nếu ta không có một tấm hình để chứng minh.
Nhà cao tầng, cá mập và bò tót
Cuộc chạy đua càng thêm rùng rợn nếu nói tới những chuyên gia chụp các bức ảnh không tưởng trên những tòa nhà chọc trời. Victor Thomas - 27 tuổi, người Mỹ - là một ví dụ. Anh bắt đầu là nhiếp ảnh gia truyền thống, nhưng rồi tìm thấy thị trường ngách là những bức ảnh selfie trên nóc các tòa nhà chọc trời tại khu Manhattan, thường trong tư thế đu đưa ở cạnh, với một chân thò ra ngoài.
Sự nghiệp của Thomas thăng hoa: anh giờ có hơn 32.000 người theo dõi trên Instagram, có tài trợ và được mời triển lãm tác phẩm. “Tôi muốn bắt được những góc hình người khác không thể có” - Thomas nói.
Đôi khi mục đích quả là có biện minh cho rủi ro. Đó là cách nhiếp ảnh gia thiên nhiên hoang dã Aaron Gekoski giải thích những bức ảnh selfie của anh. Trước khi giành giải của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London 2017 hạng mục nhiếp ảnh hoang dã của năm, Gekoski đã gây sốt khi chụp ảnh selfie với một bầy cá mập mắt trắng dữ dằn.
“Yếu tố selfie chỉ là phương tiện. Đó là lưỡi câu để tôi nói về việc bảo tồn cá mập - Gekoski giải thích - Chơi mạng xã hội vui ở chỗ đó. Tôi muốn mọi người cảm nhận được phần nào. Nếu có chuyện gì xảy ra với tôi, thì tôi biết mình đã làm điều đó vì một sứ mệnh đúng đắn và cao cả. Máy ảnh của tôi là vũ khí của tôi vì điều thiện”. Gekoski tin rằng đó là điều phân biệt anh với, ví dụ, một người ở Ấn Độ bị gấu cắn chết năm 2018 vì định chụp ảnh selfie với con vật này.
Tương tự, ở Pamplona, Tây Ban Nha - nơi diễn ra lễ hội thả bò tót vào đám đông nổi tiếng toàn thế giới, ban tổ chức đã bắt đầu áp các án phạt 3.000 USD với những người tìm cách chụp hình selfie khi đang chạy tránh bò húc. Nhiều sở thú và công viên bán hoang dã giờ cũng áp án phạt với những bức ảnh selfie quá gần các động vật nguy hiểm.
Dù các nhà đạo đức học và khoa học có nói gì về chuyện đúng sai, có một thực tế không thể phủ nhận là nền văn hóa của chúng ta khuyến khích việc chụp ảnh selfie thái quá. Có được một lực lượng theo dõi hùng hậu trên mạng xã hội mang lại rất nhiều lợi ích thực tế, khiến việc chụp ảnh selfie nguy hiểm càng trở nên hấp dẫn.
Cách duy nhất để giảm bớt xu thế đó là khiến những bức hình đó không còn lan truyền nhanh (viral) nữa và điều này cần sự can thiệp của những nền tảng mạng xã hội, mà tới giờ vẫn rất thụ động.