Khi Xiaoxiong, 35 tuổi, và người yêu đồng tính muốn che giấu quan hệ giữa hai người. Cách của họ là tìm những người đàn ông sẵn sàng cưới mình và đối tượng được nghĩ tới là người đồng tính nam.
Tìm kiếm “bình phong” cho cuộc hôn nhân giữa những người đồng tính như vậy không hề đơn giản. Xiaoxiong nảy ra ý tưởng lập một diễn đàn mai mối trực tuyến, nhằm giúp những ai rơi vào hoàn cảnh tương tự có cách đối phó phù hợp trước áp lực gia đình và xã hội tại Trung Quốc, nơi hôn nhân đồng giới là bất hợp pháp và đồng tính luyến ái vẫn là điều cấm kỵ.
“Tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm khi đã có cách làm hài lòng cha mẹ mà không mắc kẹt trong cuộc hôn nhân với một người đàn ông dị tính nghèo túng”, Xiaoxiong, cô gái giấu tên tự nhận mình có phong cách tomboy, chia sẻ.
Những cuộc “hôn nhân hợp tác”
Xiaoxiong sống với người yêu là Xiaojing, 36 tuổi, ở Thẩm Dương, thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh, một trong những khu vực tư tưởng bảo thủ còn nặng nề hơn những nơi khác ở Trung Quốc, theo AFP.
Nhưng trong những ngày lễ hay dịp đặc biệt, họ tách ra để đi cùng những người chồng trên giấy tờ về gặp gia đình, giả vờ là những bà vợ truyền thống.
Ở Trung Quốc, người đồng tính vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn. Công khai thể hiện mình là người đồng tính qua cách ăn mặc hay thể hiện tình cảm tại nơi công cộng có thể bị soi mói và khiến cha mẹ lo lắng. Một số cha mẹ Trung Quốc thậm chí dẫn con đồng tính tới các phòng khám “chuyển đổi giới tính” để trị bệnh.
Đồng tính luyến ái bị liệt vào danh sách những bệnh liên quan tới rối loạn tâm thần cho tới năm 2001, và từng bị xem là phạm pháp cho đến năm 1997.
Theo một nghiên cứu năm 2012 của Đại học Thanh Đảo, khoảng 90% trong số 20 triệu người đồng tính nam ở Trung Quốc kết hôn với phụ nữ dị tính và không hề biết xu hướng tình dục thực sự của chồng họ. Nghiên cứu này không đề cập tới xu hướng tình dục của những người đồng tính nữ.
Nhưng người đồng tính nam và nữ đang ngày càng có xu hướng kết hợp cùng nhau trong cuộc “hôn nhân hợp tác”.
Không có số liệu về số lượng các cuộc hôn nhân giữa đồng tính nam và nữ, nhưng một số trang web dành riêng cho họ đã xuất hiện trong những năm gần đây. Một trong những trang web lớn nhất, Chinagayles.com, đã thu hút được hơn 400.000 người đăng ký và tác thành cho 50.000 cuộc hôn nhân “hợp tác” trong 12 năm qua.
Chứng sợ đồng tính
“Khi tròn 25 tuổi, cha mẹ bắt đầu ép tôi kết hôn. Do đó, tôi lên mạng để tìm giải pháp”, Xiaoxiong nói.
Cô mở diễn đàn trên QQ, trang mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc, nhằm giúp những người đồng tính như mình tìm ra “bạn đời giả” ở vùng đông bắc.
Năm 2012, cô kết hôn với một giáo viên trung học dạy môn toán. Anh này hơn cô 10 tuổi và tính tình dễ chịu, khiến Xiaoxiong thấy thoải mái. Dẫu vậy, khi chụp ảnh cưới, cô vẫn không quen mặc chiếc váy trắng và đội tóc xoăn giả. Xiaoxiong thừa nhận video ảnh cưới khiến cô cảm thấy “buồn nôn”.
Trong khi đó, Xiaojing, người yêu 8 năm của cô, cũng cưới một người đàn ông đồng tính.
Xiaoxiong và Xiaojing mở phòng khám y học cổ truyền và dành vài tiếng mỗi tuần để trả lời các câu hỏi trên diễn đàn mai mối trực tuyến. Nhưng Xiaojing cảnh báo những người quan tâm đến hôn nhân hợp tác để chuẩn bị cho rắc rối tiềm ẩn từ những cuộc hôn nhân “hợp tác”.
“Một số người vội vã kết hôn với người mà họ hầu như không biết” cô nói. “Nhưng giống như chuyện kết hôn thông thường khác, nó chỉ thành công khi người ta thống nhất với nhau những điều quan trọng như chỗ ở và con cái hay họ thực sự quan tâm tới nhau”, cô nói.
Xiaoxiong và Xiaojing nghĩ, gia đình họ có thể đã biết sự thật về mối quan hệ giữa họ, nhưng không ai muốn thừa nhận điều hiển nhiên ấy. “Khi ở nhà, ngồi bên nhau, chúng tôi cảm thấy yên bình và hạnh phúc. Chúng tôi không muốn điều gì hơn nữa”, Xiaoxiong nói.