Ngọn lửa hừng hực đã thiêu đốt mảnh đất có diện tích 48.500 km², tức gần 2/3 kích thước đảo Ireland, tận diệt hơn 500 triệu sinh vật. Thế nhưng, thảm họa đổ xuống Australia vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngày 4/1, vùng ngoại ô Penrith của thành phố Sydney trở thành nơi có nhiệt độ khủng khiếp nhất thế giới, khi thủy ngân nhiệt kế vọt đến con số 48,9°C. Ở những khu vực khác thuộc bang New South Wales, gió giật 129 km/h càng khiến thế lửa bùng cháy mạnh hơn, hàng nghìn người phải vội vàng bỏ nhà sơ tán.
Trên đảo Kangaroo ở miền nam Australia, hai người dân vô tội và hàng trăm con gấu koala rất có thể đã bỏ mạng trong biển lửa. Kể từ khi mùa cháy rừng bắt đầu vào tháng 9, số người tử vong đã lên đến 23, hơn 1500 căn nhà cũng bị thiêu rụi.
Các chuyên gia nghiên cứu động vật hoang dã ước tính ít nhất 8000 con gấu koala đã chết trong những trận hỏa hoạn, tương đương 1/3 tổng số koala trong quần thể ở New South Wales. Tình hình này khiến cho nguy cơ loài gấu koala hoàn toàn biến mất ở một số khu vực càng thêm đáng ngại, cũng tức là chúng cần được xếp vào danh mục động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Trên một bãi biển ở Bastion Point thuộc bang Victoria, người dân địa phương đã chứng kiến hàng trăm cá thể chim gục chết trên bờ cát, trong đó có cả chim bói cá kookaburra. Các nhà khoa học lo ngại tình trạng mất môi trường sống trên diện rộng sẽ tác động xấu đến sự sinh trưởng của nhiều quần thể chim. Một cái tên khác cũng rơi vào thảm kịch này là potoroo, loài động vật có vú khá giống chuột túi: môi trường sống của chúng ở rừng Ngunya Jargoon (New South Wales) đã thành một bãi tro tàn. Danh sách các loài vật bị đe dọa còn có sự xuất hiện của vạc Australia. Vùng sông nước Macquarie Marshes ở phía tây bắc New South Wales, nơi chúng cư trú, cũng không tránh khỏi sự tàn phá của ngọn lửa.
Chính quyền địa phương đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tuần, sơ tán hàng chục nghìn người dân. Tại phía đông bắc bang Queensland, các chuyên gia đưa ra cảnh báo tuyệt chủng đối với antechinus đầu bạc, một loài thú có túi vốn đã được cho vào Sách Đỏ.
Ông Andrew Constance, Bộ trưởng giao thông New South Wales, thừa nhận nạn cháy rừng nguy hại chẳng khác nào một quả bom nguyên tử. Thủ tướng Scott Morrison đã bổ sung thêm 3000 người vào đội ngũ dự bị để đối phó với hỏa hoạn. Tuy nhiên, nhiều trận cháy rừng xảy ra liên tiếp và cách nhau không xa có thể sẽ tạo thành bão lửa. Shane Fitzsimmons, Ủy viên phòng cháy chữa cháy New South Wales, cho biết hiện tại đã có một số cơn bão như thế manh nha xuất hiện do sự kết hợp của nhiều đám cháy gần nhau.