Chỉ trong năm nay, Viện nghiên cứu không gian vũ trụ Brazil (INPE) đã nhận được báo cáo về 72.843 vụ cháy rừng - tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái và chạm mức kỷ lục tính từ năm 2013 đến nay. Nhà khí tượng học Eric Holthaus cho biết: “Khói đen từ các đám cháy trong rừng Amazon đang bao phủ một nửa bầu trời Brazil. Khí hậu ở đây đang trong tình trạng nguy cấp”.
Khói mù cuồn cuộn từ ngọn lửa cao ngất ở Amazonas và Rondonia đã theo gió tràn vào thành phố Sao Paulo cách đó hơn 2.700 km, khiến khu vực này mất điện suốt 1 tiếng đồng hồ. Phía bắc Roraima cũng ngập ngụa khói. Thủ phủ Manaus của Amazonas thậm chí đã phải phát thông cáo khẩn cấp về môi trường do các đám cháy dữ dội không có dấu hiệu dừng lại.
Nhận thấy tình hình diễn biến ngày một xấu khiến người dân mất lòng tin vào chính phủ, Tổng thống Jair Bolsonaro đã sa thải người đứng đầu INPE. Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường đã chỉ trích ông Bolsonaro vì chính sách ủng hộ người khai thác gỗ và nông dân phá rừng để phục vụ việc khai thác tài nguyên.
Đáp lại làn sóng chỉ trích từ công chúng, Tổng thống Brazil cho biết đây là thời gian diễn ra “mùa cháy rừng” mỗi năm, khi người nông dân đốt rừng để canh tác, qua đó chối bỏ trách nhiệm của mình với nạn phá rừng và hỏa hoạn.
Tuy nhiên, theo số liệu từ INPE, sự xuất hiện của đám cháy dữ dội này là điều không bình thường, ngay cả khi hiện đang là mùa khô. Nhà nghiên cứu Alberto Setzer nhận định: “Khí hậu và lượng mưa ở Amazon năm nay không có gì bất thường cả, chỉ là thấp hơn mức trung bình một tí. Thời tiết khô hạn có thể khiến đám cháy lan rộng rất nhanh, nhưng mồi lửa phải do con người tự tạo ra, dù vô tình hay cố ý”.
Các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng được cho là hậu quả của nạn phá rừng vô tội vạ ở Brazil. Từ ngày ngồi vào chiếc ghế Tổng thống, ông Bolsonaro đã bị chỉ trích thậm tệ vì chính sách xem nhẹ môi trường tự nhiên hoàn toàn đi ngược lại với nỗ lực của các cựu Tổng thống trước đó. Cụ thể, ông đã giảm nhẹ hình phạt cho tội khai thác rừng trái phép, đồng thời nới lỏng quy định tịch thu gỗ và kết án những đối tượng phá rừng trước tòa.
Tháng trước, ông lại khiến dư luận sục sôi vì cáo buộc giám đốc INPE cố tình công bố thông tin sai sự thật về nạn cháy rừng Amazon để lung lay vị thế của chính phủ. Vị giám đốc này đã bị cách chức, mặc cho INPE đã từng cam kết độ chính xác của dữ liệu mình cung cấp đã lên đến 95% và được bảo hộ bởi các tổ chức khoa học uy tín ở Brazil, trong đó có Viện Hàn lâm Khoa học.