Khói dày đặc bao trùm thành phố Porto Velho ở bang Rondonia phía tây bắc, nơi Bộ Quốc phòng Brazil cho biết các máy bay đã bắt đầu đổ hàng ngàn lít nước. Động thái diễn ra sau khi người dân khắp thế giới phản ứng trước các vụ cháy rừng tồi tệ nhất trên hành tinh này trong nhiều năm qua đang diễn ra ở Amazon.
Những dải đất ở vùng xa xôi giáp biên giới với đất nước Bolivia đã bị cháy xém, khiến khói dày bốc lên bầu trời và làm ô nhiễm không khí trên khắp khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, nơi có vai trò rất quan trọng để giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia nói rằng việc phát quang gia tăng trong mùa khô kéo dài hàng tháng để nhường đất cho việc gieo trồng hoặc chăn thả gia súc đã khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn trong năm nay.
“Nó trở nên tồi tệ hơn trong năm nay, khói thực sự nghiêm trọng”, Deliana Amorim, 46 tuổi, ở Porto Velho, nơi có nửa triệu người sinh sống, nói với AFP.
Ít nhất 7 bang, bao gồm Rondonia, đã yêu cầu sự giúp đỡ của quân đội ở Amazon, nơi có hơn 43.000 binh sĩ thường trực và sẵn sàng chữa cháy, các quan chức cho biết.
Hàng chục lính cứu hỏa đang trên đường tới Porto Velho để dập tắt những đám cháy. Bộ trưởng Tư pháp Sergio Moro cũng đã bật đèn xanh cho việc triển khai lực lượng an ninh để giải quyết nạn phá rừng bất hợp pháp trong khu vực.
Các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng ở Amazon đã làm bùng phát làn sóng phản đối toàn cầu và là một chủ đề quan tâm chính tại cuộc họp lãnh đạo G7 ở Biarritz ở miền Nam nước Pháp.
Các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị thượng đỉnh đã đồng ý giúp các quốc gia bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn một cách “nhanh nhất có thể”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh, ông Vladimir Johnson trước đó cũng đã đề nghị hỗ trợ.
Tổng thống Bolivia Evo Morales hôm 25/8 cho biết ông sẽ chấp nhận sự giúp đỡ quốc tế để chống lại các vụ cháy rừng hoành hành ở phía đông nam đất nước khi ông dừng chiến dịch bầu cử để đối phó với khủng hoảng.
Mặc dù khoảng 60% diện tích rừng Amazon là ở Brazil, khu rừng rộng lớn cũng trải rộng trên một phần của 8 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác: Bolivia, Colombia, Ecuador, Guiana thuộc Pháp, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela.
Đức Giáo hoàng Phanxicô cùng ngày cũng lên tiếng bày tỏ lo ngại về cháy rừng ở Amazon, nơi ông gọi là lá phổi “sống còn” của hành tinh.
Dưới áp lực ngày càng tăng từ khắp thế giới, Tổng thống Bolsonaro tuyên bố sẽ “không khoan nhượng” trước các hoạt động tội phạm ở Amazon và hứa sẽ hành động mạnh mẽ để kiểm soát các đám cháy.
Số liệu chính thức mới nhất cho thấy 79.513 vụ cháy rừng được ghi nhận ở Brazil trong năm nay, con số cao nhất trong mọi năm kể từ năm 2013.
Hơn một nửa số đám cháy nằm trong lưu vực khổng lồ của Amazon, nơi có hơn 20 triệu người sinh sống. Khoảng 1.130 đám cháy mới bùng phát chỉ riêng trong hôm 23/8 đến 24/8, theo Viện Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Brazil (INPE).
Hàng ngàn cuộc biểu tình ở Brazil và các nước châu Âu kêu gọi cứu rừng Amazon đã nổ ra vào ngày 23/8.