Lee tốt nghiệp đại học ngành hóa học và từng có công việc văn phòng ổn định nhưng những áp lực của một nhân viên “cổ cồn trắng” khiến ông bỏ việc và chuyển đến Macau vào năm 1997 làm gia sư.
Năm 2004, Lee bỏ công việc gia sư và chuyển đến Chu Hải sống lang bạt bằng số tiền gom góp trong hai năm. Sau đó, ông quay lại Macau. “Ban đầu tôi nghĩ đến việc tiếp tục làm gia sư nhưng lúc đó các sòng bạc mọc lên như nấm và tất cả đều phát thức ăn miễn phí”, Lee kể.
Bắt đầu từ đó, người đàn ông này ngủ trên đường phố và sống nhờ đồ ăn tại các sòng bạc. Nhưng đến năm 2010, ông Lee bị chính quyền Macau trục xuất, chấm dứt quãng đời sống nhờ đồ ăn phát miễn phí.
Hàng ngày, người đàn ông này đến thư viện trung tâm ở vịnh Causeway đọc sách và viết blog ghi chép lại những thói quen và hoạt động của bản thân. Không phải là một blogger nổi đình nổi đám, ông Lee vẫn thu hút hàng nghìn độc giả trung thành.
Không kết hôn, người đàn ông này chọn cắt đứt mọi mối quan hệ với gia đình. Ông Lee cho rằng mọi mối quan hệ đều là ngọn nguồn của khổ đau và lo âu. Sự xa cách giữa ông và cha mẹ cũng như hai người em trai đã bắt đầu từ khi ông còn là một đứa trẻ, mà nguyên nhân theo ông là do khác biệt về hệ giá trị.
“Nếu tôi có thể tránh được nỗi đau này thì tại sao tôi lại đi tìm kiếm và đâm đầu vào nó? Tôi không ghen tị với những người có gia đình và bạn đời”, ông Lee nói. “Tôi ngừng trò chuyện với gia đình mình từ nhiều năm trước. Tôi không hối hận chút nào”.
Hiện, Lee sống qua ngày nhờ thức ăn thừa của cửa hàng bán đồ ăn nhanh McDonald mở cửa 24/7 và các suất ăn thiện nguyện phát tại một đền thờ đạo Sikh.
“Tôi nghĩ rằng mình thực sự giúp xã hội tiết kiệm các nguồn lực. Tôi duy trì cuộc sống ở mức tối thiểu. Tôi không tiêu tiền nên cũng không có nhu cầu kiếm tiền. Tôi không ham hư danh và vật chất”, ông Lee nói. “Mọi người thường có định kiến là người vô gia cư bẩn thỉu, rách nát và thô tục. Nhưng những người không nhà cửa có cách sống của riêng họ. Chúng tôi sống cũng ổn”.
“Trong nhiều năm sống lang thang trên đường phố, tôi chưa từng bao giờ gặp một người tự nguyện trở thành người vô gia cư. Tôi hơi lập dị nhỉ!”, ông Lee nói bằng giọng nhẹ nhàng.
Số liệu thống kê cho thấy năm 2017 và 2018 có 1.127 người Hong Kong ngủ trên hè phố. Các tổ chức hoạt động xã hội ước tính con số này ít nhất là 2.000. Khoảng 35% người vô gia cư cho biết họ không có khả năng thuê nhà vì không có công ăn việc làm. Hơn một nửa ngủ trong công viên, sân chơi hoặc bãi đỗ xe ôtô.