Zhang Lin là trong những cô gái được gọi là “gái ế” ở Trung Quốc. Cô đã 38 tuổi và chưa kết hôn. Zhang sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống. Mẹ cô luôn lo lắng về việc cô chưa có ai bên cạnh. Một hôm mẹ Zhang gọi điện và nói bà sẽ đến thăm cô và giúp cô tìm chồng.
Bà đã đọc được một bài báo về “chợ hôn nhân” ở Bắc Kinh, nơi cha mẹ của những trai ế gái ế gặp nhau tại công viên thành phố và hy vọng ghép đôi con mình với gia đình đang tuyệt vọng tương tự khác.
Cứ hai lần một tuần, một nhóm gồm 30-60 phụ huynh gặp nhau tại cùng một địa điểm, mỗi người mang theo vài giấy tờ thông tin về con mình như công việc, trình độ học vấn, mức lương và tình trạng sức khỏe.
Ban đầu khu chợ này chỉ dành cho các bậc cha mẹ gặp gỡ giao lưu. Nhưng sau này các ông bố bà mẹ còn dẫn theo những đứa con còn độc thân đi theo. Vậy là khu công viên giống như một hội chợ cho phụ huynh và các đứa con “ế nặng” gặp nhau và trao đổi.
Vậy là Zhang miễn cưỡng đi theo mẹ đến “chợ” hai tuần một lần, ngồi im lặng cạnh mẹ hơn 1 tiếng đồng hồ trong mỗi buổi họp “chợ”. Cô chia sẻ “Tôi cảm thấy mình không thể từ chối mẹ, nhưng làm việc này khiến tôi cảm thấy rất xấu hổ, đau lòng và buồn bực. Tôi thấy mình như một kẻ thua cuộc, đứng đó để rao bán chính mình”.
Ở thành phố Thượng Hải cũng có một “chợ tình” hoạt động với mục đích tương tự. Thậm chí còn có cả bà thầy bói ngồi ở một góc chợ, đọc vận may của những cặp đôi xem có hợp hay không. Mọi người xếp hàng dài, ngồi ngay trên vỉa hè với những tấm giấy lý lịch gắn lên ô, treo lên dây phơi, bàn tán về cậu trai này cô gái kia. Tất nhiên những món hàng là các thanh niên ế vợ ế chồng chẳng thấy vui thích gì khi bị phán xét như thế. Nhiều người như Zhang dù có xuất hiện cũng chỉ để làm vừa lòng cha mẹ.
Từ năm 2007, cụm từ “gái ế” chỉ những cô gái trẻ trong độ tuổi cuối 20 mà vẫn chưa lập gia đình trở nên khá phổ biến trong xã hội Trung Quốc. Thế hệ cha mẹ của những cô gái này cho rằng bất kỳ phụ nữ nào sinh ra cũng phải đạt được mục tiêu cuối cùng là kết hôn, chăm sóc chồng con. Không cần phải có tình yêu lãng mạn mới dẫn đến hôn nhân, đó là trách nhiệm với gia đình và ổn định xã hội. Nếu đến một độ tuổi nhất định mà vẫn không hoàn thành nghĩa vụ đó, mọi người sẽ đánh giá bạn có vấn đề, đó là lỗi của bạn, là thất bại của cuộc đời bạn.
Tuy nhiên, theo nữ nhà báo người Mỹ Roseann Lake, sau 3 năm đi khắp Trung Quốc và phỏng vấn hơn 100 phụ nữ, cô kết luận rằng thái độ của các bậc cha mẹ ở đây cũng đã có phần nào thay đổi. Họ bắt đầu chịu chấp nhận rằng con gái của mình muốn một cuộc sống khác với mọi người, chưa kết hôn không phải là một việc gì khiến gia đình hổ thẹn.