Sáng ngày 4/9, Peter Bucklitsch, người đã mang lại hơn 2.500 phiếu bầu cho đảng độc lập Anh (UKIP) trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 vừa qua, đã khiến nhiều người tức giận sau khi mô tả cái kết của cậu bé Syria 3 tuổi là “hậu quả của việc nhập cư bất hợp pháp”.
“Cậu bé Syria đã được ăn no mặc ấm. Em chết là vì bố mẹ em quá ham muốn một cuộc sống tốt đẹp ở châu Âu. Cái giá phải trả của việc di cư bất hợp pháp”, ông Peter Bucklitsch viết trên mạng xã hội Twitter.
Câu bình luận tưởng chừng như vô hại này đã biến ông trở thành một nhân vật bị ghét nhất trên cộng đồng mạng với nhiều ý kiến cho rằng “ông là con quái vật vô tâm”.
“Ông ta là một kẻ vô nhân tâm và tôi sẽ không bao giờ bầu cho ông ấy. Hãy hi vọng gia đình của bạn sẽ không bao giờ phải biết đến sự nghịch cảnh của chiến tranh”, cựu cầu thủ bóng đá Stan Collymore viết.
“Tôi muốn đấm cho hắn vỡ mồm. Thật là một tên vô tâm”, một người dùng trên Twitter bình luận.
Đến tối 4/9, do sức ép của dư luận là quá lớn, ông Peter Bucklitsch đã chính thức đưa ra lời xin lỗi và đồng thời xoá ngay dòng trạng thái gây tranh cãi trước đó.
“Tôi xin lỗi vì những đau buồn mà tôi đã gây ra. Đó là một phát ngôn mang tính nhất thời, thiếu suy nghĩ, và tôi đã xoá nó rồi”, tờ BBC dẫn lời ông Peter Bucklitsch.
Theo Daily Mail, Peter Bucklitsch từng là một ứng viên của đảng Dân Chủ Tự Do (Lib Dems) hồi năm 2010, nhưng đã bị sa thải năm 2011, sau khi phát hiện ông này có dính líu tới Tories, là một đảng chính trị “bảo thủ” tại Vương Quốc Anh.
Trong đợt bầu cử tháng 5 vừa qua, Peter đã mang về tổng cộng hơn 2.500 trên tổng số 22,791 phiếu bầu. Qua đó giúp Đảng Độc lập Anh (UKIP) vượt qua đảng Dân chủ Tự do để vươn lên vị trí thứ ba trong danh sách những chính đảng nhận được nhiều sự ủng hộ nhất ở “đảo quốc sương mù.”
Trước sự việc trên, phía đại diện của UKIP nói rằng hiện đảng này đang mở một cuộc điều tra nội bộ và khẳng định những gì ông Peter viết trên Twitter không phải là phương châm hoạt động của đảng.
Tượng cát khổng lồ về bé trai tị nạn
Bức ảnh thi thể bé nhỏ của em trôi dạt vào một bãi biển khiến cả thế giới bàng hoàng và chấn động. Bức tượng cát trên là một trong hàng nghìn tác phẩm của các họa sĩ bày tỏ nỗi xót thương với cậu bé.
Aylan và anh trai Galip, 5 tuổi, cùng mẹ là Rehan, 35 tuổi, bị chết đuối sau khi con thuyền đông đúc chở họ bị lật trong đêm. Dù biển lặng nhưng cả Aylan và Galip đều không thoát được tử thần do không mặc áo phao.
Gia đình Aylan sống ở Kobane, một thị trấn chịu sự tàn phá của chiến tranh ở Syria. Dù vậy, với Aylan và anh trai, thị trấn nhỏ rất tuyệt vời khi các em có thể cười đùa, chơi với nhau, đánh thức bố vào mỗi buổi sáng. Tuy nhiên, sau khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đóng chiếm thị trấn, hàng loạt cuộc giao tranh nổ ra. Gia đình em buộc phải rời quê hương, tìm một nơi yên bình hơn để sống.
Chỉ tính riêng trong năm nay, hơn 2.600 người đã thiệt mạng khi vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu, cao hơn gần 20% so với năm ngoái.