Tối ngày 26/3, anh Chu, người sống tại chung cư ở quận Hải Điến, Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết anh đã nhìn thấy hai cụ già nằm ngủ tại hành lang tầng 2 của tòa nhà. Họ là một cặp vợ chồng già khoảng 80 tuổi. Hai cụ nằm trên một tấm đệm và đắp một lớp chăn mỏng. Cụ bà Zhu Sulan thi thoảng khó nhọc ngồi dậy trong khi cụ ông chỉ nằm dài và rên rỉ.
Anh Chu và một số người bạn sống trong tòa nhà đã mua một ít bánh ngọt và đồ ăn hộp cho cặp vợ chồng già. Nhận được tin báo, cảnh sát đã đến, ngỏ ý muốn giúp ông bà thuê một phòng khách sạn hoặc một căn phòng trống trong tòa chung cư để tá túc. Tuy nhiên, hai cụ tuyệt nhiên từ chối và kiên quyết nằm tại đây để chờ con trai về.
Theo lời kể của bà Zhu, hai cụ có 5 người con và tất cả đều đã trưởng thành. Hai cụ từng sống cùng con trai cả, hiện 26 tuổi. Nhưng sau khi bị phá sản, anh ta đã thuê một chiếc ôtô và nhờ một người lái xe đưa bố mẹ mình về ở với cậu em trai thứ ba.
Tuy nhiên, khi đến đây, họ đã không gặp con trai và suốt mấy ngày liền cũng không thấy cửa căn hộ mở. Chính vì vậy, cặp vợ chồng già đã quyết định trải chăn ra hành lang để nằm với hy vọng “Con trai tôi chắc chắn sẽ về”. Họ không hề biết con trai mình sẽ còn trốn tránh bố mẹ tới lúc nào.
Bà Zhu tiết lộ nhiều năm nay, các con bà xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu đối với ba căn hộ, đều trong khu nhà trên, mà vợ chồng bà đứng tên.
Câu chuyện và hình ảnh về cặp vợ chồng già nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người bày tỏ sự khó hiểu đối với trường hợp của gia đình này.
“Giải quyết tranh chấp tài sản trong gia đình là vấn đề nan giải. Tôi không hiểu vì sao cả hai cụ lại kiên quyết phải ngủ ở ngoài như vậy, có uẩn khúc gì đó trong chuyện này. Liệu có chắc rằng người con thứ ba đang trốn tránh bố mẹ không, hay anh ta đang đi công tác? Còn những người con khác thì sao?”, một người nhận xét.
“Bố mẹ tôi thì có chìa khóa cả 2 căn hộ của tôi. Chỉ một con là đủ, sẽ không gặp phải những vấn đề phức tạp như thế”, một người khác bình luận.
Câu chuyện lại một lần nữa khiến nhiều người phải suy nghĩ về lòng hiếu thảo, về quan điểm sinh đông con cháu cho vui cửa vui nhà. Sinh con để làm gì khi đến tuổi già lại không được báo hiếu, phụng dưỡng mà phải sống trong khổ sở thế này?