Năm tôi 10 tuổi, lần đầu tiên tôi học được bài học rằng lá cây ngâm nước sẽ rất thối, là khi tôi cùng đứa em hàng xóm cùng đi nhặt lá cây ở khu vườn phía trước nhà, sau đó ngâm vào nước đựng trong một bình sữa, để liền trong 1 tuần. Chúng tôi đã hy vọng khi mở ra, đó sẽ là một thứ nước thần kỳ màu xanh lục có tác dụng chữa bách bệnh (giống kiểu sắc thuốc trên phim), nhưng cuối cùng những gì nhận lại được là một dung dịch có váng, mùi rất kinh và đen ngòm.
Có lẽ đến sau này rồi tôi cũng sẽ được học về điều đó, học rằng chẳng có lá cây nào ngâm với nước trong 1 tuần sẽ cho ra thần dược. Nhưng chắc chắn rằng bài học mà tôi được học sau này qua trang sách, sẽ không thể hùng hồn bằng cái mùi hôi thối bốc lên sau khi chúng tôi bóc nắp hộp ra bằng một niềm háo hức không thể chần chừ.
Kiến thức nhân loại, hay những tiên tiến về kỹ thuật, về nghệ thuật ngày nay… chắc chắn không phải được phát triển sau khi một ai đó phát hiện ra lá ngâm vào nước thực ra sẽ rất kinh, mà là từ hàng nghìn, hàng trăm nghìn, hàng triệu những câu chuyện tương tự như thế. Chúng ta thử nghiệm, khám phá, tìm tòi, thất bại và tiếp tục hành trình của mình một cách cần mẫn. Sức sáng tạo không có biên giới và giáo dục sinh ra để chắp cánh cho sự sáng tạo vô hạn đó của loài người. Giáo dục sinh ra để truyền cảm hứng, để trân trọng mọi ý tưởng và khiến ta tin rằng: Không có gì là không thể, chỉ có những điều chưa thể mà thôi.
Thế nhưng khi ý nghĩa lớn nhất và duy nhất đó của giáo dục bị bóp méo, có lẽ đó là lúc chúng ta phải thừa nhận rằng thế giới hiện đại cùng chủ nghĩa hoài nghi đang có ảnh hưởng tồi tệ đến thế nào tới lớp mầm non tương lai của thế giới này. Ahmed Mohamed, một cậu bé 14 tuổi, theo đạo Hồi - đã bị bắt vì trót chế tạo đồng hồ giống một quả bom. Ahmed đã mang đến lớp chiếc đồng hồ đó với niềm háo hức, và giáo viên của em đáp lại sự háo hức đó bằng việc… đưa em đến đồn cảnh sát. Và thay vì việc học được rằng thật ra cái dây này phải nối với cái chỗ kia kẻo tiếng kêu sẽ rất đáng ghét, Ahmed lại được học rằng: Khi em là người Hồi giáo, tốt hơn hết không nên chế tạo một cái gì nếu không muốn gặp cảnh sát.
Sau ngày 11/9/2001, người đạo Hồi trên khắp thế giới đã gặp phải một sự dè chừng, thậm chí là kỳ thị ra mặt bởi phần còn lại của thế giới. Sau nhiều thập kỷ chiến tranh, khủng bố và biến động, những gì người ta nhớ đến Hồi giáo là những kẻ tử vì đạo, những gã trùm khủng bố lúc nào cũng đang lẩn quất đâu đó giữa những sa mạc xa xôi, mặc kệ đám đàn em lang thang khắp các nước phương Tây tìm một vài địa điểm nào đó để xả cơn giận dữ. Hồi giáo trở thành một khái niệm không đáng tin, và người đạo Hồi đồng nghĩa với những tên khủng bố.
Câu chuyện của Ahmed giống như một giọt nước làm tràn ly, khiến chúng ta hoảng hốt nhận ra cái hố quá đỗi sâu ngăn cách ta với những người đạo Hồi chân chính. Điều kinh khủng hơn, người nhận cái tát này thay cho hàng trăm triệu tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới, lại là một cậu nhóc 14 tuổi, yêu khoa học và trong sáng như một tờ giấy trắng. Một cái tát quá đỗi đau đớn của đám người lớn, thực dụng và đầy ắp ngờ vực. Một cái tát vào khoa học vào giáo dục, vào chính những lý tưởng cao đẹp của nó và cả của lòng nhân con người.
Đã có hàng nghìn bài đăng trên Twitter hay Facebook, lên án những kẻ đã còng tay Ahmed và dập tắt đi sự ngây thơ của em. Hàng trăm nghìn người sẵn sàng đứng lên bảo vệ Ahmed khỏi những thành kiến và những kỳ thị chủng tộc. Trong số đó, có cả những thủ lĩnh, những con chim đầu đàn của cộng đồng đã dang đôi cánh ôm lấy Ahmed, để một lần nữa thổi lên trong em tình yêu khoa học và sự sáng tạo.
“Các bạn chắc đã biết câu chuyện về Ahmed, cậu học sinh Texas bị bắt vì mang chiếc đồng hồ tự chế đến trường. Có kỹ năng và khát vọng làm được thứ gì đó hay ho đáng ra phải được cổ vũ chứ không phải bị bắt giữ. Thế giới ngày mai tất cả là của những con người như Ahmed. Và Ahmed, nếu khi nào em muốn ghé qua Facebook, anh sẽ rất vui được đón tiếp em. Cứ tiếp tục sáng chế nhé.”
Trong lịch sử nước Mỹ cũng có một trường hợp tương tự Ahmed Mohamed, đó là câu chuyện về một chàng trai mê hóa học đã tự chế một lò phản ứng hạt nhân ngay dưới tầng hầm nhà mình, David Hahn với biệt danh “Cậu bé phóng xạ”, David có niềm đam mê mãnh liệt với năng lượng nguyên tử. Niềm đam mê của David đến từ những cuốn sách mà mẹ kế đã tặng cho cậu năm 10 tuổi. Đến năm 15 tuổi David đã giành được giải thưởng khoa học xuất sắc.
Năm 18 tuổi, vì một vài sự cố mà phòng thí nghiệm của David gặp trục trặc và cậu bị cảnh sát bắt khi đang cố tiêu hủy thiết bị, tuy nhiên, David không bị kết án. Sau này cậu được tuyển vào Quân đội Mỹ và sáng tạo ra những phát minh giá trị gấp nhiều lần số tiền mà chính phủ Mỹ bỏ ra để khử phóng xạ trong căn hầm năm xưa.
Nhưng câu chuyện của Ahmed không chỉ là câu chuyện về kì thị chủng tộc, nó còn là câu chuyện về cách người lớn di dưỡng những đứa trẻ say mê kiến thức. Nó không chỉ dừng lại ở xung đột giữa các nền văn hoá, mà còn là câu chuyện chúng ta đang giáo dục và đặt lòng tin vào trẻ em ra sao. Đã có hàng triệu đứa trẻ, đối mặt với chữ “Không thể” - chỉ vì chúng là một ai đó không giống với những gì người khác kỳ vọng. Đó có thể là những bé gái yêu khoa học, say mê các môn tự nhiên hay thể dục thể thao - và bị từ chối vì “đó không phải điều con gái thường làm”. Đó cũng có thể là những bé trai, muốn được học về thiết kế thời trang nhưng e ngại bởi “con trai không vẽ quần áo”. Những rào cản do chính con người đặt ra đã vô hình chung kéo chúng ta lại, những chuẩn mực của số đông đã kìm nén sự tự do phát triển của mỗi cá thể khác biệt trong xã hội này. Và đó chính là điều bất công nhất, bởi, những người phi thường nhất vẫn thường đến từ những nơi mà ta không thể ngờ nhất.
Bởi, hãy nhớ lại mà xem, Marie Curie là một người phụ nữ và Alexander McQueen là một người đàn ông, Eminem là một rapper da trắng còn Obama là tổng thống da màu của Hợp chủng quốc Hoa kỳ.