Với 30 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc đảo chính đã hạ vũ khí đầu hàng sau khi bị cảnh sát có vũ trang bao vây tại quảng trường Taksim, trung tâm thành phố Istanbul. Số binh lính này đã giao nộp súng và bị đưa lên xe tải của cảnh sát, một chiếc máy bay chiến đấu liên tục quần thảo trên bầu trời ở tầm thấp khiến nhiều tòa nhà xung quanh bị rung chuyển.
Trong khi đó, nhiều tiếng súng đã được nghe thấy trong bản tin trực tiếp của kênh truyền hình CNN tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi người dẫn chương trình cho biết binh lính đã xuất hiện trong phòng thu của đài này. Một đoạn băng của kênh truyền hình NTV cho thấy Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã xuất hiện cùng những người ủng hộ ông ở bên ngoài sân bay Istanbul.
Người dân đổ ra đường phố phản đối đảo chính quân sự. Những người ủng hộ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tập trung tại Quảng trường Taksim ở Istanbul ngày 16/7, phản đối vụ đảo chính của quân đội. Trước đó, khi xe tăng quân đội tiến vào sân bay Ataturk, nhiều người không vũ trang đã lao ra ngăn cản. Có người đã nằm ngay trước dàn xích bánh xe tăng để ngăn chặn.
Trong diễn biên mới, nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, các tuyên bố được đưa ra trên danh nghĩa quân đội về việc chiếm quyền kiểm soát đất nước không được giới chỉ huy quân đội ủy quyền.
Các sự kiện xảy ra ở những thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ là âm mưu tiến hành đảo chính của một nhóm trong lực lượng vũ trang nước này. Hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu cho biết Tổng Tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng một số người khác đang bị bắt giữ làm con tin ở thủ đô Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn an toàn.
Trong cuộc đảo chính, binh sỹ đã được triển khai trên các con đường ở thành phố Istanbul và thủ đô Ankara trong khi máy bay phản lực bay lượn trên bầu trời ở độ cao thấp. Truyền hình đã chiếu cảnh xe tăng được triển khai bên ngoài sân bay Ataturk ở Istanbul và đưa tin cho biết các chuyến bay tới sân bay này đã bị hủy bỏ.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thêm họ đã nắm quyền chỉ huy đất nước và mục đích của cuộc đảo chính là nhằm “đảm bảo và khôi phục trật tự hiến pháp, dân chủ, nhân quyền, tự do và nền pháp trị”. “Tất cả các thỏa thuận và cam kết quốc tế của chúng tôi vẫn có giá trị. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục mối quan hệ tốt đẹp của chúng tôi với tất cả các nước trên thế giới”, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố.
Một nguồn tin cho biết, 17 sĩ quan cảnh sát đã thiệt mạng trong vụ đảo chính. Trong khi đó, nhân chứng cho biết các lực lượng thuộc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã nổ súng vào đám đông tập trung phản đối đảo chính ở thành phố Istanbul.
Về phía chính quyền, ngày 16/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi người dân nước này xuống đường biểu tình để chống lại cái mà ông gọi là một âm mưu đảo chính do một nhóm thiểu số trong quân đội tiến hành, đồng thời tuyên bố sẽ “đáp trả thích đáng” những người thực hiện hành động này.
Trong cuộc trả lời kênh truyền hình CNN qua điện thoại, Tổng thống Erdogan kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ tập trung tại những quảng trường lớn để thể hiện sự phản đối âm mưu đảo chính của quân đội. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết ông tin rằng cuộc đảo chính này sẽ kết thúc trong “thời gian ngắn” và những người thực hiện sẽ phải trả giá đắt trước tòa.
Ngoài ra, Tổng thống Erdogan cũng cho rằng vụ đảo chính đã nhận được sự khích lệ từ một tổ chức, ám chỉ tới những người ủng hộ Fethullah Gulen, một Giáo sĩ Hồi giáo tại Mỹ, người từng nhiều lần bị cáo buộc tìm cách kích động một cuộc nổi dậy từ những người đang làm việc trong hệ thống tư pháp và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus cho biết đảng Công lý và Phát triển (AKP) vẫn đang nắm quyền kiểm soát chính phủ nước này.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim thì lên án hành động này của quân đội, gọi đây là một “hành động bất hợp pháp” của một nhóm người trong quân đội. “Những người thực hiện hành động bất hợp pháp này sẽ phải trả giá đắt”, ông Yildirim tuyên bố.
Trong khi đó, nguồn tin từ Liên minh châu Âu (EU) cho biết, cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như diễn ra khá bài bản, thay vì “chỉ có một vài chỉ huy tham gia”. Nguồn tin này cũng cho biết, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã nắm quyền kiểm soát sân bay và các vị trí chiến lược ở thành phố Istanbul.
Theo Đài truyền hình TRT, tình trạng thiết quân luật đã được áp đặt ở nước này, hiến pháp mới sẽ được soạn thảo sớm nhất có thể và đất nước Thổ Nhĩ sẽ được điều hành bởi một “Hội đồng Hòa bình” để bảo đảm sự an toàn cho người dân nước này.
Sau khi có thông tin về vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ông đang theo dõi các sự kiện diễn ra nhanh chóng ở Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời bày tỏ hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ có thể vượt qua được cuộc khủng hoảng hiện nay, duy trì được hòa bình và sự ổn định.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng cần phải tránh đổ máu tại Thổ Nhĩ Kỳ và bất cứ vấn đề nào cũng cần phải được giải quyết theo đúng quy định của hiến pháp nước này. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Pháp đã khuyến cáo công dân nước này tại Thổ Nhĩ Kỳ hạn chế ra ngoài trong thời điểm tình hình ở các thành phố lớn của nước này diễn biến phức tạp.