Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Cảnh sát Indonesia vẫn phạt roi công khai giữa lệnh giãn cách xã hội

Đội tuần tra ở tỉnh Aceh (Indonesia) vẫn áp dụng các biện pháp trừng phạt thẳng tay đối với những người vi phạm luật Hồi giáo trong thời gian thực thi lệnh cách ly xã hội.

Hình ảnh chụp tại hiện trường cho thấy những người có hành vi trái với điều lệ của luật Hồi giáo phải oằn mình hứng chịu đòn roi từ đội ngũ chấp pháp, hay còn gọi là “cảnh sát tôn giáo”, ở tỉnh Aceh (Indonesia). Trong buổi thực thi hình phạt diễn ra vào ngày 21/4, sáu người vi phạm bị ép phải quỳ trên đất, cam chịu cảnh bị ngọn roi vụt tới tấp vào da thịt.

Người phụ nữ bị cảnh sát tôn giáo công khai quất roi vào người tại một tòa nhà ở Banda Aceh, ngày 21/4.

Trong số những “tội nhân” bị trừng phạt, có một cặp đôi chưa cưới bị bắt gặp hẹn hò nhau trong khách sạn. Bốn người còn lại phải nhận 40 roi vì uống rượu. Thông thường, những sự kiện phạt đánh công khai như thế này sẽ thu hút đám đông hiếu kỳ đến xem. Song, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chẳng có mấy ai dám liều cả mạng sống để chứng kiến cảnh người khác chịu đòn roi.

Một thành viên của đội trừng phạt nhận lấy roi trước khi đánh phạm nhân.

Do đó, chỉ có vài người dân xuất hiện trong buổi hành pháp, ai nấy đều đeo khẩu trang, một số người còn chủ động giữ khoảng cách an toàn để tránh bị nhiễm COVID-19. Tính đến ngày 22/4, Indonesia đã ghi nhận 7.418 ca mắc COVID-19, trong đó có 635 ca tử vong.

Một trong số những người bị phạt cũng đeo khẩu trang, ngay khi chịu đòn xong, ông đã được nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe. Các thành viên trong đội chấp pháp cũng nghiêm túc tuân thủ những biện pháp phòng tránh dịch khi đội mũ trùm đầu và mang găng tay đầy đủ trước khi cầm roi thực thi hình phạt.

Người phụ nữ bị đánh vì hẹn hò thân mật với chồng chưa cưới.

Đánh bằng roi là hình thức trừng phạt phổ biến đối với những hành vi làm trái điều lệ tôn giáo tại tỉnh Aceh, địa phương nằm ở cực tây của đảo Sumatra. Một quan chức địa phương cho biết: “Để phù hợp với tinh thần chống dịch hiện tại, chúng tôi cũng cố gắng loại bỏ các thủ tục không cần thiết, chẳng hạn như bài phát biểu trước khi thực thi hình phạt. Thay vào đó, đội ngũ chấp pháp sẽ bắt tay vào việc ngay để đơn giản hóa quy trình. Việc xử phạt vẫn diễn ra như thường, song chúng tôi sẽ giới hạn số lượng người tham gia”.

Nhân viên y tế đang kiểm tra cho người đàn ông bị đánh.

Với 98% dân số theo đạo Hồi, Aceh là địa phương duy nhất tuân thủ luật Hồi giáo ở Indonesia. Sau thỏa thuận tự trị với chính phủ vào năm 2001, tỉnh này đã áp dụng luật Hồi giáo Sharia với 5 triệu cư dân tại đây. Hình phạt nghiêm khắc nhất dành cho tội nhân là 100 roi kèm theo án tù giam.

Một trong số những người phạm tội uống rượu cho biết anh cảm thấy nhẹ nhõm khi hay tin mình chỉ cần chịu đòn thay vì ngồi tù. “Tôi đã chán ngấy quãng thời gian sống trong nhà giam. Giờ đây, cuối cùng tôi cũng được làm người tự do”, anh chia sẻ. Hình phạt này bị các tổ chức nhân quyền lên án là tàn khốc và vô nhân tính, song tại Aceh, chúng lại được nhiều người chấp nhận như lẽ đương nhiên.

Buổi trừng phạt diễn ra trong lúc Indonesia vẫn thực hiện lệnh giãn cách xã hội.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đề nghị hỗ trợ chính quyền Aceh trong việc ngừng thực thi hình phạt nhằm cải thiện hình ảnh của địa phương. Trong bài phát biểu vào năm 2017, Phó Thống đốc tỉnh Aceh Nova Iriansyah kiến nghị thực hiện án phạt ở nơi riêng tư, tránh bị giới truyền thông chú ý. “Tôi đồng tình với ý kiến của chính phủ, chúng ta thực sự cần hành động để giải quyết vấn đề này”, ông bổ sung.

Dù trong thời gian nhạy cảm, song cơ quan chức năng ở Aceh vẫn tổ chức tụ tập đông người để thi hành hình phạt.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng kịch liệt phản đối chính sách trừng phạt của tỉnh Aceh, bởi biện pháp răn đe trên đã vi phạm luật nhân quyền quốc tế. Tổ chức này cho biết: “Những tội danh khiến người dân phải chịu phạt bao gồm có cử chỉ thân mật hoặc hành vi tình dục giữa hai người chưa kết hôn, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, quan hệ tình dục đồng giới, tiêu thụ và kinh doanh rượu, đánh bạc. Theo luật nhân quyền quốc tế, tất cả hình thức trừng phạt trên thân thể đều bị cấm, bởi động thái này đã phạm vào công ước chống tra tấn và hình phạt tàn ác, vô nhân đạo”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết The Sun

Được quan tâm

Tin mới nhất