Cô gái trẻ được giới thiệu với Kim Kyeong-Bok, 43 tuổi, qua một người họ hàng và kết hôn chỉ sau vài lần gặp gỡ. Không biết tiếng cũng như văn hoá ở vùng đất mới, lại sinh sống với người chồng già gần gấp đôi tuổi mình, song cô gái 23 tuổi vẫn hy vọng một khởi đầu tốt đẹp, tràn ngập tình yêu.
“Tôi hy vọng một cuộc sống mới. Tôi muốn thử thách chính bản thân mình và để xem liệu cuộc đời mình có thể thay đổi hay không”, Muoi tâm sự.
Theo AFP, Muoi là một trong khoảng 40.000 cô dâu Việt đang sinh sống ở Hàn Quốc, nơi được coi là “miền đất hứa” của những cô gái khát khao tìm kiếm tìm yêu và tấm vé để đổi đời. Họ không biết gì nhiều về đất nước này ngoài những ban nhạc K-pop hay bộ phim tình cảm đẫm nước mắt, và chấp nhận cuộc sống hôn nhân với những người đàn ông lớn tuổi, qua mai mối.
Nhưng đối với Muoi, cuộc sống ở thành phố Gwangju cùng Kim đã vượt cả mong đợi của cô.
“Chồng tôi thực sự yêu thương tôi, hơn cả những gì tôi mong đợi”, cô hồ hởi nói.
Dù còn bất đồng về ngôn ngữ, hàng ngày Kim vẫn kiên nhẫn dạy vợ cách nấu ăn và mua sắm. Anh hy vọng cô sẽ có thêm nhiều bạn bè và tham gia cộng đồng cô dâu nước ngoài ở Hàn Quốc.
“Khi mới gặp gỡ, tôi đã tự nhủ đây là người phụ nữ sẽ trở thành vợ mình. Tôi thực sự hạnh phúc”, Kim nói. Trước khi biết Muoi, anh từng từ chối một cô gái Việt được mai mối làm vợ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có được may mắn như Muoi. Trên thực tế, nhiều phụ nữ Việt Nam đang phải gồng mình với cuộc sống không như mơ. Hàng nghìn người đã ly dị và tìm cách trở về quê hương. Theo số liệu mới nhất của Hàn Quốc năm 2015, cứ 5 cặp vợ chồng Hàn - Việt thì có một đôi ly dị.
“Nhiều phụ nữ không có đủ thông tin hay hiểu biết về người sẽ là chồng mình, cũng như cuộc sống ở nơi xứ người”, Youn Sim Kim, giám đốc Trung tâm Hàn Quốc về Chính sách Nhân quyền Liên Hợp Quốc (KOCUN), cho biết.
“Tôi đã nghĩ cuộc sống cũng giống như ở Việt Nam, có chăng điểm khác biệt duy nhất là đồ ăn”, Le Thi Tho, người phụ nữ hiện sống ở Cần Thơ sau khi ly hôn chồng ở Hàn Quốc, kể.
Nhưng chỉ không lâu sau kỳ trăng mật, Tho phát hiện chồng không phải người như mình đã nghĩ. Người phụ nữ nhớ lại những lần anh trút cơn giận dữ khi cô gọi về. Anh thậm chí còn ném hết đồ đạc của vợ ra khỏi nhà.
Đa phần cô dâu Việt sống ở vùng nông thôn Hàn Quốc. Đây là những nơi kém hấp dẫn với nhiều phụ nữ Hàn Quốc, khi họ đều rời quê hương tới các thành phố lớn để phát triển sự nghiệp riêng. Nhiều người trong số họ không đặt nặng vấn đề hôn nhân. Tình trạng mất cân bằng giới tính do đó cũng xảy ra ở một số khu vực. Phần lớn cô dâu ngoại quốc đang lấp đầy khoảng trống này là người đến từ khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long hoặc vùng nông thôn Trung Quốc. Cần Thơ là một trong những tỉnh có nhiều cô dâu Việt ở Hàn Quốc.
Sự phát triển chóng mặt của Hàn Quốc trong nửa thế kỷ qua đã tạo sức hút khó cưỡng với nhiều cô dâu mong đổi đời. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người hàng năm ở Hàn Quốc là hơn 27.000 USD, cao gấp 12 lần Việt Nam và cao hơn mức 8.000 USD ở Trung Quốc.
Năm 2007, Nguyen Thi Kim Han kết hôn với người đàn ông Hàn Quốc với hy vọng giúp gia đình thoát nghèo. “Hồi đầu, anh ấy là người rất lịch sự và tốt bụng. Chúng tôi không có nhiều tiền, nhưng cuộc sống khá ổn định”, Han bùi ngùi nhớ lại. Nhưng không ngờ, chồng cô là người nghiện cờ bạc và mất sạch tiền vì chơi chứng khoán. Khi chuyện này lặp lại một lần nữa, Han quyết định đưa hai con về Việt Nam.
Bất hạnh trong hôn nhân, trở về Việt Nam bắt đầu lại cuộc sống cũng không phải điều dễ dàng. Một trong những trở ngại lớn nhất đối với họ là những đứa trẻ không đủ điều kiện để đi học ở trường học địa phương.
Hầu hết các cặp vợ chồng quen nhau qua công ty môi giới bất hợp pháp ở Việt Nam. Cảnh sát Việt Nam đã triệt phá nhiều đường dây mai mối, trong khi đó chính phủ Hàn Quốc đã thắt chặt các quy định về thị thực trong những năm qua. Số liệu thống kê cho thấy số lượng hôn nhân môi giới nước ngoài bắt đầu có dấu hiệu giảm dần.
Muoi rất lạc quan về cuộc hôn nhân hiện tại, song cô thừa nhận cuộc sống ở Hàn Quốc rất cô đơn. Có những ngày cô đến văn phòng làm việc của chồng, lặng lẽ ngồi trong lúc anh làm việc để quên đi nỗi buồn chán khi ở nhà một mình.
Ngày nào Muoi cũng gọi điện thoại về cho gia đình ở quê, nhưng điều đó vẫn không thể giúp cô vơi đi nỗi nhớ nhà. “Mỗi khi nghĩ đến bố mẹ, tôi lại khóc”.