Gần đây, những thông tin về thành viên cuối cùng còn sót lại của một bộ lạc sống biệt lập trong rừng Amazon đã gây xôn xao dư luận. Những người thân của ông đã chết sau vụ thảm sát thổ dân của những người khai hoang vào năm 1995.
Những bộ lạc này thường sống tách biệt với thế giới bên ngoài và rất hiếm khi chúng ta ghi lại được hình ảnh của họ. Trong những năm qua, nỗi hoang mang trước việc nơi sinh sống đang dần bị lấn chiếm khiến các thổ dân càng sợ hãi khi phải tiếp xúc với những người lạ bên ngoài.
Những bộ lạc cuối cùng còn sót lại
Những bộ lạc sống sâu trong rừng Amazon không có bất kỳ liên hệ nào với xã hội hiện đại, họ sống cùng nhau và tạo nên các bộ tộc hoặc các nhóm bộ lạc nhỏ.
Theo tổ chức phi lợi nhuận Survival International, cuộc sống của các bộ lạc hoàn toàn tự cung tự cấp. Họ săn bắn và sống du mục. Các thổ dân này có thể dựng một ngôi nhà trong vài giờ nhưng cũng sẵn sàng chuyển sang một ngôi nhà mới chỉ vài ngày sau đó.
Bên cạnh đó cũng có những nhóm sống định cư nhiều hơn. Nghĩa là họ sống chung một nhà, trồng cây, khai hoang rừng, săn bắn và câu cá để chăm lo cuộc sống.
Bao nhiêu bộ lạc còn sống ở rừng sâu Amazon?
Ít nhất khoảng 100 bộ lạc đang sinh sống ở riêng khu vực rừng Amazon của Brazil. Các chuyên gia tin rằng, con số này có thể lên tới 3000. Ngoài ra, các bộ lạc sống nguyên thủy cũng được phát hiện ở Colombia, Ecuador, Peru và miền bắc Paraguay.
Ước tính có khoảng 600 thổ dân thuộc 4 nhóm bộ lạc đang sinh sống yên bình ở bang Acre, Brazil. Tại một số vùng khác như Kawahiva, đất đai của các bộ lạc nguyên thủy đang bị đe dọa bởi những người khai thác gỗ và họ cũng đang đứng trên bờ vực bị hủy diệt vì rất ít thành viên còn sống sót.
Các thổ dân đặt niềm tin vào ai?
Các bộ tộc nguyên thủy coi khu rừng nhiệt đới giống như ngôi nhà của đời sống tâm linh. Mỗi loại hoa, cỏ cây và động vật đều có linh hồn. Họ còn thực hiện các nghi lễ sử dụng những loại thuốc gây ảo giác được chế tạo từ vỏ cây virola để mong được nhìn thấy linh hồn.
Có phải thổ dân chưa từng tiếp xúc với thế giới hiện đại?
Các thổ dân được hiểu là những người không hề liên lạc với thế giới bên ngoài nhưng thực ra họ đã từng tiếp xúc với máy bay hay trực thăng ở trên không và cả những người khai thác rừng.
Sau những cuộc tiếp xúc đầy bạo lực với thế giới bên ngoài, họ lựa chọn cách sống ẩn nấp. Cuộc sống của các thổ dân bị đe dọa khi người ngoài tiếp cận nơi họ sống để đáp ứng nhu cầu khai thác mỏ, gỗ, chăn nuôi gia súc, buôn bán cocaine…
Kim Hill, một nhà nhân chủng học tại Đại học bang Arizona, từng phỏng vấn thành viên các bộ lạc thoát ra khỏi cuộc sống cô lập. Ông cho biết, các thổ dân cũng quan tâm đến việc liên lạc với thế giới bên ngoài nhưng sự sợ hãi khiến họ quyết định sống tách biệt.
Họ gặp những khó khăn gì sau khi tiếp xúc với cuộc sống hiện đại?
Theo Survival International, sự tiếp xúc với cuộc sống xã hội hiện đại đã mang đến những thảm họa cho các bộ tộc của Brazil.
Khi sống cách biệt nhiều năm, hệ miễn dịch của họ không thể chống chọi với những bệnh thông thường ở một vùng địa lý nào khác. Thậm chí, lần đầu tiếp xúc với bệnh sởi và cúm đã khiến cả một bộ lạc bị xóa sổ trong vòng một năm.
Dân số bộ lạc Matis đã giảm một nửa sau khi tiếp xúc với hai căn bệnh trên. Hầu hết người già và trẻ nhỏ đều chết đều bỏ mạng vì những căn bệnh thông thường này.
Một mối nguy hại khác nữa ngoài bệnh tật chính là bạo lực. Năm 2017, tờ The Sun đưa tin, 10 thành viên của một bộ tộc đã bị đánh chết bởi các thợ đào vàng tàn nhẫn. Vụ việc được phát hiện khi một trong những nghi phạm vào quán bar và khoe khoang về tội ác của mình.
Giải pháp nào tốt nhất cho các bộ lạc sống nguyên thủy?
Cho đến những năm 1980, chính phủ Brazil đã cố gắng thúc đẩy những cuộc tiếp xúc hòa bình để cuộc sống của các bộ lạc không bị ảnh hưởng và mong muốn những công cụ kim loại sẽ trở thành phương tiện thu hút các thổ dân.
Chính quyền ở Funai đã có một cách bảo vệ đặc biệt với các bộ tộc. Họ đề ra những luật lệ nghiêm ngặt và yêu cầu người bản xứ tránh tiếp xúc với các thổ dân để đảm bảo không lây bệnh cũng như không khiến thổ dân sợ hãi.