Trước khi David Sharp chuẩn bị lên đường chinh phục đỉnh Everset, anh đã liên tục trấn an mẹ mình rằng: “Khi ở trên núi, con sẽ không bao giờ chỉ có một mình. Những vận động viên leo núi có mặt ở khắp mọi nơi”.
Sự thật là lúc nào cũng có hàng chục đội leo núi tham gia hành trình chinh phục ngọn núi cao nhất thế giới. Nhưng có một sự thật khác, khoảng 200 xác chết nằm rải rác trên con đường lên nóc nhà của thế giới, đóng vai trò là những cột mốc chỉ đường ác nghiệt. Đây chính là lời cảnh báo rằng, sự an toàn trên Everest chỉ là ảo ảnh.
Chuyến đi định mệnh
David Sharp sinh năm 1972, là một vận động viên leo núi người Anh. Sharp từng chinh phục 2 ngọn núi cao nhất châu Âu và châu Phi là Elbrus và Kilimanjaro, 2 lần thử chinh phục đỉnh Everest nhưng không thành công. Đến năm 2006, Sharp quyết định lên đường một lần nữa.
Lần thứ 3 chinh phục nóc nhà của thế giới, Sharp quyết định sẽ đi một mình, thậm chí còn không thèm mang theo bình oxy.
Sharp bắt đầu chuyến leo núi định mệnh vào ngày 13/5/2016. Đến ngày 14, nhiều nhóm leo núi khác cho biết đã nhìn thấy một người leo một mình lên trên đỉnh. Không ai biết liệu Sharp đã hoàn thành được mục tiêu của mình hay chưa, nhưng cùng vào ngày 14, Sharp bắt đầu trèo xuống dưới.
Đến đây phải nói thêm về “Giày xanh” (Green Boots), xác chết nổi tiếng nhất trên đỉnh Everest, mãi mãi yên nghỉ trong trang phục áo khoác da cam và đôi giày màu xanh nõn chuối. “Giày xanh” là một vận động viên leo núi người Ấn Độ thiệt mạng năm 1996 trong khi đang chinh phục đỉnh núi này. Dân leo núi thường lấy xác của “Giày xanh” làm dấu mốc chỉ đường.
Thông thường, những xác chết đóng băng trên những đỉnh núi lạnh giá thường rơi ở đâu thì ở nguyên đấy, do ở vị trí quá cao và hiểm trở nên đội cứu hộ không thể di chuyển xác xuống núi được.
Tối ngày 15/5, một nhóm leo núi đến gần hang động nơi có “Giày xanh” làm dấu mốc và bàng hoàng phát hiện ra hôm nay ” Giày xanh” đã có bạn đồng hành, đó chính là David Sharp. Có vẻ như trong lúc leo xuống, Sharp đã quyết định nghỉ lại đây.
Sự thờ ơ đáng sợ
Theo nhóm leo núi này, Sharp ngồi thu mình hai tay ôm đầu gối, lông mi đóng thành đá và không trả lời khi nghe tiếng gọi. Nhóm người này đoán rằng anh đã hôn mê, nhưng lại không gọi radio cho đội cứu hộ đến giúp đỡ mà quay lưng bỏ đi.
Chỉ 20 phút sau, một nhóm khác xuất hiện và nhìn thấy Sharp, những người này cũng gọi Sharp, lần này anh đã vẫy tay chào mọi người, nhưng rồi nhóm người này cũng bỏ đi luôn. Có ít nhất 40 nhà leo núi đã nhìn thấy anh, một vài người cố gắng nói chuyện với Sharp nhưng không ai cố gắng giúp người bạn này.
Maxime Chaya, một vận động viên leo núi nổi tiếng gặp Sharp khi đang trên đường leo xuống. Lúc này đã quá muộn để có thể giúp anh (lúc này có thể khuôn mặt của Sharp đã chuyển sang màu đen). Nhưng không đành để mặc Sharp ở lại một mình, Chaya cố gắng nán lại cầu nguyện cho Sharp cho đến khi bắt buộc phải rời đi nếu không muốn nguy hiểm đến mạng sống. Chaya cũng tuyệt vọng gửi một tin nhắn qua radio cho đội cứu hộ, nhưng đội cứu hộ cũng chỉ biết bất lực lắng nghe và khóc.
Cái chết của Sharp thổi bùng một cuộc tranh cãi. Nhiều người cho rằng, nếu như có ai đó chịu đưa cho anh một ít thuốc hoặc bình oxy, Sharp đã có thể sống sót trở về nhà. Nhiều ý kiến khác cho rằng, có thể mọi người đã gọi cho đội cứu hộ và được hướng dẫn bỏ anh lại một mình và cứ đi tiếp.
Edmund Hillary, một trong hai người đầu tiên chinh phục thành công đỉnh Everest, cũng rất tức giận vì thái độ của những người leo núi đã bỏ mặc Sharp ngày hôm đó. Ông cho rằng, những người này “chỉ muốn lên đến đỉnh núi bằng mọi giá” và tuyên bố vào thời của ông, không ai dám bỏ mặc cho một người chết dưới vách núi.